Việt Nam hiện nay có hơn 750 điểm dân cư đô thị với khoảng 25% dân số đang sống ở các thành phố và dự báo tỷ lệ này sẽ đạt đến 35% vào khoảng năm 2050. Các đô thị ở Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như ngập nước, ô nhiễm môi trường, quá tải dân số, thiếu năng lượng, nhà ở… Bên cạnh đó, một thách thức không biểu hiện gay gắt ra ngoài nhưng lại vô cùng quan trọng là việc chưa xây dựng được một xã hội đô thị văn minh và một quần cư dân đô thị có nếp sống mới. Thực tế đã chứng minh, một khi không có được những “thị dân” đúng nghĩa mà chỉ có những người có nếp sống tùy tiện, tự phát, vô tổ chức, bất tuân pháp luật, thiếu tự trọng thì mọi cố gắng của chính quyền đều vô nghĩa.
Chính trong bối cảnh đó, công trình nghiên cứu Nếp sống thị dân ở TPHCM của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Sỹ Nồng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TPHCM và Đinh Phương Duy, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ TPHCM. Công trình này được hai tác giả triển khai thực hiện trong suốt hai năm dựa trên một thực tế, có rất nhiều phong trào vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị nhưng hiệu quả rất hạn chế.
Một trong những lý do hạn chế là do các cơ quan chức năng thiếu những cơ sở lý thuyết và thực tiễn để xây dựng các chính sách. Công trình nghiên cứu của hai tác giả chính là để cung cấp một nền tảng cơ sở cho việc này. Chính tính thiết thực đó, công trình đã được Sở Khoa học và Công nghệ cùng Trường Cán bộ TPHCM tiến hành in thành sách và do NXB Tổng hợp TPHCM xuất bản.
Tác phẩm đã thể hiện thái độ nghiên cứu nghiêm túc của hai tác giả với cả hai cấp độ lý thuyết và thực tiễn. Do kết quả nghiên cứu phục vụ việc xây dựng chính sách nên nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát 600 người cùng hàng chục cuộc phỏng vấn kết hợp với các thảo luận, hội thảo… Cuốn sách bàn đến lịch sử, điều kiện hình thành và đặc trưng nếp sống thị dân TPHCM, thực trạng đời sống thị dân hiện nay.
Trong công trình của mình, các tác giả cố gắng tìm câu trả lời cho những câu hỏi như: Có thể xây dựng được không một nếp sống thị dân, một xã hội văn minh ngay cả khi chưa có được một cơ sở vật chất tương ứng? Những gì kế thừa từ văn hóa làng xã, từ quá khứ của TP có phục vụ gì cho việc xây dựng một đô thị văn minh? Thế nào là nếp sống thị dân và nó có những tiêu chí gì? Việc xây dựng nếp sống thị dân ở TPHCM cần bắt đầu từ đâu, với những nguồn lực nào và bằng những giải pháp nào?
Đánh giá về tác phẩm, PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng Khoa Đô thị học Trường ĐH KHXH-NV TPHCM nhận xét: “Một nghiên cứu dù có kỹ lưỡng đến đâu, nhọc lòng đến mấy thì cũng không sao trả lời hết các câu hỏi liên quan đặt ra chung quanh nó và tất nhiên không thể tránh khỏi những sai sót, những điều chưa hoàn thiện… Tuy vậy, tôi có quyền hy vọng các cán bộ trong cơ quan công quyền các cấp, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các bạn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, bạn đọc sẽ tìm thấy ở đây những điều bổ ích cho công việc chuyên môn của mình”.
XUÂN THÂN