Nếu Ấn Độ phủ quyết TFA

Ngày 31-7 là thời hạn chót cho 160 thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ký Hiệp định thuận lợi hóa thương mại (TFA) mà Hội nghị bộ trưởng WTO đã nhất trí thông qua tại Bali, Indonesia năm 2013. Tuy nhiên, trong khi thời hạn chót để đạt được sự nhất trí với TFA đang đến rất gần, thì dường như Ấn Độ vẫn khăng khăng sẽ phủ quyết.

Mặc dù, theo các nước ủng hộ, thỏa thuận thương mại này hứa hẹn sẽ tạo điều kiện buôn bán hàng hóa qua biên giới trở nên dễ dàng hơn, mở ra cơ hội bơm khoảng 1 tỷ USD vào kinh tế toàn cầu và tạo thêm 25 triệu việc làm, nhưng Ấn Độ vẫn dọa không thông qua TFA nếu không nhận được sự đảm bảo rằng thỏa thuận này sẽ có lợi cho người dân nghèo Ấn Độ.

Để cung cấp đủ lương thực cho hàng triệu người dân còn sống dưới mức nghèo khổ, năm ngoái, chính phủ Ấn Độ áp dụng Đạo luật An ninh lương thực quốc gia, theo đó mở rộng trợ cấp đến 75% dân số nông thôn và 50% dân số thành thị. Nhưng theo quy định của WTO, chính phủ các nước không thể trợ cấp hơn 10% lượng ngũ cốc sản xuất ra thực phẩm, bởi vì làm như vậy sẽ bóp méo thị trường thương mại.

Tại cuộc họp trù bị hồi đầu tháng 7 tại Geneva (Thụy Sĩ), Ấn Độ đã bỏ phiếu phủ quyết thông qua TFA vì cho rằng các cuộc đàm phán tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề trợ cấp đã không đạt được tiến triển. Bộ trưởng Thương mại của Ấn Độ Rajeev KherNew cho biết kể từ khi thỏa thuận đạt được tại Bali, các cuộc thảo luận tiếp theo chỉ tập trung vào thúc đẩy thương mại mà không đề cập tới vấn đề trợ cấp lương thực.

Trong khi Ấn Độ muốn loại bỏ trần giới hạn này để đảm bảo an ninh lương thực đất nước, thì các nước đang phát triển chỉ được cam kết sẽ không bị phạt vì vi phạm “trần trợ cấp” cho đến năm 2017 - khi một giải pháp lâu dài được đưa ra.

Kết thúc chuyến thăm ba ngày tới Ấn Độ (ngày 25-7), Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB), Jim Yong Kim đưa ra lời đề nghị hỗ trợ tài chính trị giá 15 tỷ - 18 tỷ USD trong vòng 3 năm tới, nhằm giúp đưa hàng trăm triệu người dân Ấn Độ thoát khỏi cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, khoản viện trợ này được đưa kèm với lời khuyến nghị Thủ tướng Ấn Độ không nên phản đối TFA mà Hội nghị bộ trưởng WTO đã nhất trí thông qua tại Bali.

Bởi, thỏa thuận nhắm đến việc tinh giảm thương mại toàn cầu, tạo ra các cam kết ràng buộc về mặt pháp lý cho tất cả các nước thành viên để giảm nạn hối lộ, nâng cấp cơ sở hạ tầng biên giới, đơn giản hóa thủ tục hải quan… để đảm bảo vận chuyển dễ dàng hơn hàng hóa qua biên giới quốc tế. Nhưng theo giới phân tích, để theo được thỏa thuận này, các nước đang phát triển sẽ phải đầu tư đáng kể để hiện đại hóa các cảng biển và biên giới của nước mình.

Việc Ấn Độ có thể đặt một thỏa thuận lịch sử của WTO vào thế nguy hiểm khiến những nhà lãnh đạo của thể chế này lo lắng nhiều. Thất bại khi không thông qua được TFA lần này sẽ giáng một đòn đáng kể vào uy tín của WTO khi mà trong gần một thập kỷ qua, tổ chức này không đạt được một thỏa thuận thương mại toàn cầu quan trọng nào.

Nếu hiệp định thương mại toàn cầu bị đình trệ, có thể các thành viện thuộc EU và Mỹ sẽ dồn những nỗ lực của họ sang những thỏa thuận khu vực như các hiệp định thương mại xuyên Đại Tây Dương và quan hệ đối tác đầu tư, đối tác xuyên Thái Bình Dương.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục