Nêu gương về tính trung thực

Trung thực là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính. Song, trong đời sống, hiện tượng thiếu trung thực diễn ra không hiếm.

Tình trạng thiếu trung thực trong cán bộ, đảng viên cũng không phải cá biệt. Đó là khai báo sai trái, gian dối về bằng cấp, kê khai tài sản, tuổi tác, tình trạng con cái…, cốt để nhận được lợi ích nhất trong việc đề bạt, bổ nhiệm. Hay là hiện tượng chạy theo thành tích ảo, khi thành tích được báo cáo tốt hơn hẳn kết quả thực tế đạt được. Đó còn là thổi phồng thành tích cá nhân, gắn vai trò cá nhân vào thành tích tập thể nhưng khi tập thể có hạn chế thì tránh né trách nhiệm. Hoặc không thật thà khi kiểm điểm, chỉ tập trung vào thành tích mà tránh hoặc làm nhẹ các khuyết điểm; bản thân tự nhận mức hoàn thành thấp nhưng khi bỏ phiếu cho mình thì đề xuất mức cao hơn; không thành khẩn khi thực hiện tự phê bình, báo cáo về các vi phạm của bản thân khi bị kiểm tra… Sự thiếu trung thực như trên được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Để khắc phục, cần kết hợp cả việc tự giáo dục và việc uốn nắn, giáo dục của tổ chức. Vai trò giáo dục của tổ chức có thể bắt đầu từ việc giám sát, uốn nắn, phê bình của tổ chức Đảng, của cấp ủy có thẩm quyền và từ các hoạt động bên ngoài. Thực tiễn cho thấy, tổ chức Đảng nào giữ được sự phê bình, uốn nắn, giáo dục đảng viên của mình một cách tích cực, phù hợp thì nơi đó còn vững mạnh và có sức chiến đấu tốt, góp phần hạn chế sự thiếu trung thực và giảm sự suy thoái của đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần tự giác học tập, “tự soi, tự sửa” và rèn luyện, nhất là tự rèn luyện lòng tự trọng để tránh sa vào các biểu hiện sai trái về mặt đạo đức, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tuy có những điều thiếu trung thực có vẻ như vô hại, nhưng nếu không được chấn chỉnh, uốn nắn thì có thể trở thành một cố tật, khi đó việc sửa chữa trở nên khó khăn hơn. Do vậy, từng người phải tự mình suy xét mình và nếu thấy có dấu hiệu thiếu trung thực thì phải mạnh dạn tự sửa và nghiêm túc chấp hành sự uốn nắn, giáo dục của tổ chức!

Tin cùng chuyên mục