Từ việc giải quyết khiếu kiện ở Tiền Giang

Nếu lãnh đạo tỉnh gặp dân sớm…

Chiều 2-10, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND, Thanh tra và các cơ quan hữu quan tỉnh Tiền Giang để tìm biện pháp giải quyết khiếu tố của dân, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù buổi làm việc chỉ diễn ra trong phạm vi một tỉnh, nhưng nội dung của nó đã đặt ra nhiều vấn đề và kinh nghiệm để giải quyết khiếu nại, tố cáo trên phạm vi cả nước...

  • Dân đi khiếu kiện: lỗi trước hết ở cán bộ

Trước khi đi vào các vấn đề cụ thể, ông Vũ Phạm Quyết Thắng khẳng định quan điểm: Việc giải quyết khiếu tố của dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương, Thanh tra Chính phủ không thể làm thay mà chỉ có thể cùng chính quyền địa phương thảo luận, bàn bạc trên cơ sở của luật pháp để tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả.

Trước mắt, ông Thắng đề nghị các địa phương phải quán triệt tinh thần của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trong văn bản ngày 28-9 vừa qua là: Yêu cầu các địa phương phải cử cán bộ (cụ thể là Phó chủ tịch UBND tỉnh) khi có dân khiếu kiện đông người phải đứng ra tiếp nhận, giải thích và đưa dân trở về địa phương.

Trên tinh thần đó, tại buổi làm việc, ông Thắng dẫn câu nói của Bác Hồ: “Đồng bào có oan mới đi khiếu kiện, đồng bào không hiểu pháp luật mới đi khiếu kiện” và khẳng định: “Cần phải thừa nhận thực tế là để xảy ra những vụ việc khiếu nại kéo dài của dân là do lỗi ở chính quyền. Bởi cán bộ, chính quyền có xử lý oan sai, không làm hết trách nhiệm tuyên truyền cho dân hiểu và thực thi đúng pháp luật, dân mới đi khiếu kiện”.

  • Từ cục bộ đến tổng thể

Trước tình hình khiếu kiện phức tạp tại các địa phương, ông Thắng tiếp tục nêu lên một thực tế hết sức đáng quan tâm: trước đây các vụ khiếu kiện đông người thường tập trung ở quận huyện. Khi quận huyện giải quyết không được bà con mới kéo lên tỉnh.

Tỉnh giải quyết không xong mới lên trung ương. Nhưng nay, nhiều vụ việc tụ tập khiếu kiện đông người đã không còn vào trụ sở tiếp công dân ở địa phương, cũng không vào trụ sở tiếp công dân ở trung ương mà kéo từng đoàn qua những tuyến phố đông người, khu dân cư với những khẩu hiệu và thái độ không đồng tình với chính quyền các cấp. “

Đây phải chăng là sự biểu thị của một bộ phận dân chúng không còn tín nhiệm chính quyền các cấp? Điều đó khiến chúng ta phải suy nghĩ về năng lực thực sự của chính quyền”, ông Thắng đặt vấn đề.

Do đó, ông Thắng đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang nói riêng và các địa phương khác nói chung cần xem xét lại cách giải quyết khiếu nại của dân một cách nghiêm túc trên cả 2 góc độ: Thứ nhất, xem xét tinh thần trách nhiệm của cán bộ là có làm oan sai cho dân hay không? Thứ hai, cán bộ tuyên truyền pháp luật đã làm hết trách nhiệm của mình để dân hiểu đúng và thực hiện đúng pháp luật hay chưa?

  • Kinh nghiệm từ Tiền Giang

Tại buổi làm việc ngày 2-10, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hữu Chí cho biết, chỉ trong ngày 30-9 vừa qua, đích thân ông đã tiếp 70 lượt công dân khiếu kiện trong tỉnh và đã giải quyết được dứt điểm một số vụ.

Điều này lại càng khẳng định, nếu lãnh đạo các địa phương cũng làm sớm việc tiếp dân với tinh thần như vậy thì những vụ khiếu kiện kéo dài đã không xảy ra. Ông Thắng đã hoan nghênh cách làm việc của chính quyền địa phương và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND cũng như HĐND tỉnh xem xét, xử lý một cách hiệu quả những vụ việc nổi cộm tại tỉnh.

Tuy nhiên, có lẽ do “mục đích” chỉ tập trung làm việc với lãnh đạo tỉnh để thống nhất về cách thức mà tỉnh phải giải quyết khiếu nại tố cáo của dân, nên ông Thắng chưa có cuộc gặp gỡ với dân. Thiết nghĩ, trong những buổi làm việc như thế này, các địa phương nên thông báo rộng rãi để các phương tiện thông tin đại chúng có thể tiếp cận và phản ánh được ý nghĩa của cuộc họp và những giải pháp lớn mà địa phương đưa ra, giúp người dân an lòng. 

PHAN LỘC – PHAN TRUNG

Tin cùng chuyên mục