Thì cũng không ai ngạc nhiên cả. Một đội bóng không thiếu cơ chế, không thiếu con người, lại cũng không thiếu tiền, thế mà lại không phải là đội bóng...

HLV Nguyễn Hồng Thanh và ông bầu” Nguyễn Đức Kiên.
Khi ông Nguyễn Hồng Thanh có ý rút khỏi vị trí HLV trưởng thì người ta đã hiểu LG.Hà Nội.ACB đã hết thuốc trị. Bắt bệnh của đại diện Thủ đô này thực sự không khó bởi nội tình nó chẳng khác gì Hàng không Việt Nam hồi chưa đổi phiên hiệu và tệ hơn cả một Công an Hà Nội ngày nào.
Thời còn là Hàng không Việt Nam – tiền thân của LG.Hà Nội.ACB – đại diện Thủ đô này là đội bóng thay HLV như thay áo. Sau ông Vương Tiến Dũng, đã có lúc người ta thấy hàng loạt những cái tên cả nội lẫn ngoại, cả có tiếng lẫn vô danh. Những lần thay tướng ấy không hẳn vì lý do chuyên môn mà là vì những mối bất hòa nơi một đội bóng. Đã có lần đội bóng này nêu kỷ lục trong một trận đấu mà hai cầu thủ bị thẻ đỏ chỉ vì choảng nhau ngay trên sân và đó là bất hòa trong chính cầu thủ. Nhưng bất hòa lớn nhất khiến đội bóng này thay người và thay tướng lại chính là tiếng nói chung với ông chủ của mình: Bầu Kiên.
Ông Kiên được xem là một ông bầu thông thoáng và là một người quản lý đội bóng theo mô hình...ngân hàng, nhưng cái khó của ông bầu này là ông không có những con người thuần như cái ngân hàng mà ông và các đồng nghiệp của mình đã và đang phát triển. Ông Kiên có thể mang tiền về, có thể ngồi lại với những chuyên gia để cùng tìm nguồn thực hiện chiến lược, để vẽ ra các kế hoạch... nhưng ông lại không phải là người tự chủ trong việc quản lý những con người.
Ở Hàng không Việt Nam trước đây và LG.Hà Nội.ACB bây giờ, cái khó lớn nhất là người ta không xác định được cầu thủ ra sân cho ai và vì ai!
Ông Nguyễn Hồng Thanh khi được bầu Kiên trải thảm đỏ mời về cũng vì mục đích muốn ông Thanh xây dựng một đội bóng theo cái mô hình hình tháp của Nghệ An và đầu ra cho cầu thủ là quyền lợi, là màu cờ sắc áo và là chất lượng chuyên môn...
Nhưng LG.Hà Nội.ACB là một đội bóng “hợp chủng quốc” và là đội bóng vương giả đất Hà thành chứ không đi lên từ chân lấm tay bùn như nhiều cầu thủ Nghệ An.
LG.Hà Nội.ACB tồn tại cả hơn nửa đội hình biệt phái từ CA Hà Nội sang và cái số đông này đã ảnh hưởng không ít đến lối chơi toàn đội. Các cầu thủ ấy không muốn bỏ ngành nhưng khi là cầu thủ cho một đội bóng, họ cũng không có được cái tinh thần của một cầu thủ vì đội bóng.
Đã nhiều HLV sau khi cùng với những nhân vật này bất thành đã phải “mềm” như ở CA Hà Nội ngày nào các HLV phải “mềm” cho được việc mình và cho đội...trụ hạng.
Năm nay, ông Kiên và ông Thanh quyết làm mới và quyết làm như một đội bóng chuyên nghiệp. Họ áp dụng kỷ luật sắt và dằn mặt những cầu thủ trụ cột nhưng thiếu lửa và lôi kéo anh em mất lửa.
Phương án cải tổ nào cũng có cái giá và cũng có sai số của nó. Chỉ tiếc rằng những nhà lãnh đạo LG.Hà Nội.ACB đã bộc lộ nó quá sớm khi để xì ra thông tin hết giải sẽ trả hết các cầu thủ biệt phái về ngành để làm lại đội bóng một cách tử tế.
Chính sách tử tế ấy chưa thực hiện trọn vẹn, họ đã bị phản bởi chính những con người biết chắc rằng hết giải cũng là hết đời cầu thủ chuyên nghiệp. Họ không cho LG.Hà Nội.ACB cơ hội trụ hạng để làm lại.
Ông Nguyễn Hồng Thanh không bị mất lòng bầu Kiên như các HLV trước nhưng ông biết rằng mình đã rơi vào “mê hồn trận” do chính các cầu thủ không phục rắp tâm phá.
LG.Hà Nội.ACB cứ thế mà rơi tự do. Họ đá bằng một đội hình phụ thì không yên tâm vì quá yếu còn đá với đội hình có đủ những con người của Hà Nội và của CA Hà Nội thì nơm nớp lo bị phá.
Chiều nay, LG.Hà Nội.ACB sẽ gặp Đà Nẵng trong một trận đấu mà không thắng thì chết. Thực chất thì với quan hệ của ông Thanh, chuyện thắng Đà Nẵng không khó nhưng vấn đề là cầu thủ của ông có muốn thắng không?
Trước cái chết cận kề ấy, LG.Hà Nội.ACB lên gân cho đội bóng mình bằng cách nào khi họ cứ mang nỗi ám ảnh mình không còn là một nữa rồi.
Nếu LG.Hà Nội.ACB vẫn tiếp tục rơi tự do và xuống hạng thì đau cho bóng đá Thủ đô thật. Chết không phải vì yếu, vì thiếu mà chết vì không muốn mình tồn tại của những con người chẳng biết mình đá cho ai và vì ai...!?
Nguyễn Nguyên