Đó là tác phẩm mới nhất vừa ra mắt bạn đọc của nhà văn Trầm Hương, do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành, với 3 truyện ký: Đêm nguyệt quế, Sen và Nếu như có linh hồn. Tập sách đã khắc họa chân dung những người trẻ sống đẹp, sẵn sàng chọn cái chết cho mình để người thân và đồng đội mình được sống.
Mở đầu là câu chuyện về nữ du kích Bảy Huyền. Một người lính sống sót mang di vật của cô trở về, người mẹ cứ ngỡ anh là người yêu của con gái. Anh im lặng và nuốt nước mắt vào lòng, bởi người mẹ già yếu ấy khốn khổ đã nhiều. Không nói ra, nhưng hình ảnh về người nữ du kích xinh đẹp, dịu hiền đã hy sinh để anh và nhiều đồng đội được sống sót vẫn mãi là ký ức không thể nào quên…
Nữ anh hùng Nguyễn Thị Bé Sáu, Trung đội trưởng Trung đội nữ pháo binh vành đai Bình Đức, chị hy sinh không kịp gặp lại chồng, không kịp sinh con, không để lại di ảnh nhưng trong lòng người dân, chị mãi vẫn sống, đẹp rạng rỡ. Căn cứ Đồng Tâm bị đội nữ pháo binh thiêu rụi, địch phản pháo, ngôi nhà nơi đặt trận địa pháo bị bom xăng Mỹ đốt, trùm lên ngọn lửa dữ dội. Chị Bé Sáu có thể thoát ra nhưng tiếng khóc của bốn đứa trẻ đã níu chân chị. Chị lao vào ngọn lửa. Chị chọn cái chết cho mình để những đứa trẻ được sống… Đó cũng là câu chuyện đẹp đến nao lòng của một cô gái tật nguyền ở giữa đầm sen trong chiến khu Đồng Tháp Mười, là nơi giam lỏng một tù binh Pháp - khi anh này nhảy dù xuống cánh đồng cỏ lác, bị du kích bắt giữ. Chính cô gái tật nguyền tưởng chừng dạt ra bên lề cuộc kháng chiến đã cảm hóa, làm thay đổi nhận thức của anh ta. Cô gái đã tự sát để không bị ô uế bởi những tên lính tàn bạo, khát máu…
Nếu như có linh hồn, những người đã ngã xuống có lẽ sẽ trở về, quấn quýt cùng những người thân yêu trên dương thế, hóa thân vào từng ngọn cỏ lá cây của quê hương, trong hoa trái đầu mùa… Lời ví ấy như nhắc nhở mỗi người chúng ta phải sống sao cho thật trọn vẹn, nghĩa tình và bao dung.