...Thì hàng loạt cái tên vô tội phải chịu ảnh hưởng theo bản án này và những người hâm mộ vô tội ở Nghệ An sẽ rất đau đớn. Đau cho cái nền bóng đá số 1 quốc gia ngày nào mà chính những con người dựng nên nó đã đạp đổ và phá nó đi khi tính đến chuyện rời Nghệ An.

Bất chấp mưa gió, khán giả Nghệ An vẫn kiên nhẫn xếp hàng vào sân Vinh để xem đội SLNA thi đấu.
Bây giờ, nói đến chuyện bóng đá Nghệ An thì ai cũng nghĩ đến những chuyện xấu xa làm bẩn đi ngôi nhà bóng đá từng là niềm tự hào của cả nước.
Mặt trái quá lớn trong ngôi nhà bóng đá đã giết chết đi biết bao đôi chân và cái đầu vô tội phải chịu chung một hình phạt. Như Minh Đức, một cầu thủ lăn xả với vết thương đau đớn hành hạ thế mà vẫn cày ải cho bóng đá Việt Nam. Cái tinh thần ấy của Minh Đức cũng là tinh thần của người hâm mộ Nghệ An vô tội từng đau đớn với vết thương của đội bóng, từng giận rồi lại thương trước những đứa con xứ Nghệ.
Ở Nghệ An, bóng đá là tất cả. Tôi đã từng chứng kiến cái cảnh người Nghệ An rồng rắn trước sân Vinh sau khi đi cả ngày đường từ những huyện xa xôi miền núi về thành phố Vinh để xem các cầu thủ xứ mình thi đấu. Có chứng kiến cái cảnh người hâm mộ trải chiếu trước Sở TDTT và trước đoàn bóng đá chờ sân Vinh mở cửa để vào xem mới thấy được tấm lòng người hâm mộ xứ Nghệ.
Tôi còn nhớ cái ngày Sông Lam đăng quang mùa giải 2000 – 2001 thì những Minh Đức, Lâm Tấn, Văn Vinh... khi ấy còn là những chú bé hạnh phúc với chiếc áo vàng có những cái tên của thần tượng như Hữu Thắng, Sỹ Hùng, Phi Hùng… vào sân nhặt bóng. Năm năm trước, họ còn quá ngây thơ khi nhìn lứa đàn anh thi đấu. Cũng hò hét khản cổ và cũng reo mừng khi các anh ghi bàn. Ngây thơ như người hâm mộ xứ Nghệ đến kín sân để chờ chức vô địch rồi ôm nhau hạnh phúc với câu nói: “Cầu thủ mình đá hay thật!”.
Bóng đá cũng như tình yêu vậy, khi niềm tin càng lớn thì sự đổ vỡ càng nặng nề.
Nỗi đau ấy đối với người hâm mộ Nghệ An và đối với những người vô tội gắn bó với nền bóng đá Nghệ An đã lớn lắm rồi bây giờ nếu những con người ấy phải hứng chịu thêm nỗi đau từ việc xuống hạng thì khủng khiếp quá.
Chưa thể nói bóng đá Nghệ An đã được dọn dẹp sạch sẽ nhưng rõ ràng là những con người phá bỏ rồi bỏ bóng đá Nghệ An mà ra đi mới là những người đáng phải chịu nhiều hình phạt nhất. Họ đi với việc để lại những di chứng nặng nề cho bóng đá Nghệ An và đi để rồi hàng loạt con người vô tội phải gánh chịu.
Đấy là sự bất công của bóng đá nhưng đấy cũng là tai họa mà những người lỡ yêu một cái tên phải gánh chịu.
VFF đang đứng trước hàng loạt những khó khăn bởi với họ, đấy là một “vụ án” khó. Cái khó của những người làm luật vừa trảm một Đông Á Thép Pomina và Cần Thơ khiến những diễn biến tiếp theo thật khó có thể tìm một giải pháp ngoài luật cho dù VFF thừa biết nếu trảm Pjico SLNA thì cũng chẳng khác gì với việc xát thêm muối vào vết thương của những người vô tội.
Với Đông Á Thép Pomina và Cần Thơ thì rõ ràng là thế hệ nào làm thế hệ ấy phải chịu trách nhiệm, nhưng với Pjico Sông Lam lại là “đời cha ăn mặn đời con khát nước”.
Người Nghệ An đau bởi bị bắt phải khát nước vì trong họ những người làm cha đã không xứng đáng là cha – những người đã phá bỏ cả một cơ nghiệp bóng đá trên cái mảnh đất nghèo khó lấy bóng đá làm niềm vui. Cái mảnh đất mà một người hâm mộ có thể quạt ngô và khoai nướng cả ngày trời để có đủ tiền mua một chiếc vé vào sân.
Tai nạn của bóng đá Nghệ An thật thảm khốc. Tai nạn do con người gây nên bất chấp những con người vô tội đang khóc cho bóng đá xứ sở mình.
Nếu Sông Lam Nghệ An bị xử xuống hạng…
NGUYỄN NGUYÊN