- Là người hâm mộ bóng đá Việt Nam và rất thông cảm với những cảm nhận không thiện cảm từ dư luận đối với lực lượng trọng tài. Cái thiếu hiện nay không phải về trình độ, lực lượng mà về cái tâm và bản lĩnh của từng trọng tài với những cám dỗ từ nhiều góc độ khác nhau. Chú có suy nghĩ gì khi mà người ta vẫn thường nghĩ trọng tài như một cầu thủ thứ 12 trên sân? Để làm trong sạch đội ngũ trọng tài, theo chú cần phải làm gì? (TRẦN VĂN CHINH – Điện lực Vĩnh Long, 26 – Hoàng Thái Hiếu – phường 1 – thị xã Vĩnh Long)

Ủy viên Hội đồng trọng tài Quốc gia Bùi Như Đức.
Trong vai trò giám sát, sau mỗi trận đấu, tôi luôn luôn chia sẻ với trọng tài, nhất là những trận căng và quyết liệt. Tôi cũng đã từng cầm còi nên cảm nhận được niềm vui sau mỗi trận đấu mà mình điều hành tốt, hoàn thành nhiệm vụ. Ngược lại, cũng có lúc cảm thấy buồn, giận trước những sai sót không đáng có. Nếu trọng tài là một “cầu thủ thứ 12” như bạn nêu mà xảy ra trong trận đấu do tôi làm giám sát thì dứt khoát nên loại những hiện tượng như trên.
- Để trở thành một trọng tài có chuyên môn giỏi, yêu nghề, có tiếng còi trong sáng, công minh, theo anh Đức thì yêu cầu có những yếu tố nào? Trọng tài Việt Nam có thể được hưởng tiêu chuẩn lương, thưởng như cầu thủ hiện nay? Cuối năm cũng được bình bầu “chiếc còi vàng, còi bạc, còi đồng” với phần thưởng giá trị cao? (TRẦN VĂN CHẨN – 12, Hoàng Đức Tương, phường 4, quận 11 – TPHCM).
Những yêu cầu thiết yếu của một trọng tài là phải luôn học tập, duy trì thể lực, ngoài sự dũng cảm còn phải có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp. Hiện nay, trọng tài Việt Nam chỉ được hưởng chế độ theo từng trận đấu. Thiết nghĩ, cần phải có chế độ cao hơn cho đội ngũ trọng tài. Chắc chắn là trong khóa 5, việc quan tâm đến trọng tài sẽ được Ban chấp hành chú trọng nhiều hơn, trong đó trọng tài sẽ được thưởng nóng sau khi làm tốt nhiệm vụ trong từng trận đấu. Còn việc bình bầu “chiếc còi vàng, bạc, đồng” như bạn nêu, tôi nghĩ sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
- Trong khi các nước đang lên án khá mạnh và bắt giam, treo còi khá nhiều các vị trọng tài “đi đêm”, cụ thể là nước Đức. Ở nước ta cũng đang mang cái “dịch” của họ. .. Biết sai mà vẫn cố tình “nhúng chàm”, để rồi mang tiếng xấu cả đời. Hay là các vị vua sân cỏ nước ta được điều động bởi một thế lực “xã hội đen” hoặc bị đội bóng mua chuộc và điều cuối cùng: vì tình hay vì tiền? Theo ông thì cần phải có những biện pháp xử lý nào? (PHẠM NGUYỄN UY VŨ, 83-Lâm Đình Trúc, phường Phú Thủy, TP Phan Thiết-Bình Thuận)
Theo tôi, trước khi trách một trọng tài thì người có trách nhiệm phải xem lại chính bản thân của họ, tôi muốn nói đến những thành viên trong Hội đồng trọng tài. Hiện nay, việc điều hành HĐTT chỉ do một người quyết định còn ông Chủ tịch HĐTT chỉ là một người có chức chứ không có quyền. Tôi là Ủy viên HĐTT, chỉ khi nào có vụ việc do báo chí phản ánh thì mới có sự tham khảo đôi chút. Như vậy, việc tạo chỗ dựa và niềm tin cho trọng tài là không có. Và khi quyền lực nằm trong tay một người thì điều gì không nói ra chắc bạn cũng biết.
Tôi đã có ý kiến về việc sai phạm của các trọng tài, khi sai phạm phải nói được nguyên nhân của cái sai đó. Nếu một khi đã sai phạm về tư tưởng, theo tôi thì chỉ còn cách treo còi vĩnh viễn.
- Đại hội khóa V kết thúc thành công, với ông: “Tầm chiến lược công tác chuyên môn của HĐTT như thế nào để bóng đá Việt Nam vươn tầm châu lục?” Đến bao giờ VN mới xuất hiện những “Chelsea VN” hay “Colina VN”? (NGUYỄN THỊ MỸ YẾN, 254/36 Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6 – TPHCM)
Về câu hỏi “Chelsea Việt Nam”, có lẽ thuộc về bộ phận chuyên môn còn về “Colina Việt Nam”, tôi nghĩ nếu làm công bằng và trung thực thì sẽ có nhiều “Colina Việt Nam” thôi. Tôi tính thử, Việt Nam hiện nay có 64 tỉnh thành, trong 1 năm có thể đào tạo được khoảng 600 trọng tài. Sau đó chọn lọc từ 200-250 trọng tài tốt có một số ưu điểm (thể hình, yêu nghề, đạo đức…) rồi mời FIFA sang giảng dạy trong khoảng 10 ngày, 10 ngày tiếp theo do các giảng viên Việt Nam giảng dạy. Kết quả sẽ như thế nào chắc là bạn cũng sẽ biết.
Nhưng quan trọng nhất là người điều hành phải thực sự tạo cơ hội phát huy tài năng của mỗi trọng tài, bình đẳng như nhau, đừng để vấn đề phe phái, tình cảm riêng tư đan xen vào công việc. Nếu cứ để xảy ra tình trạng như trên thì sẽ không có một trọng tài giỏi chứ đừng nói là có “Colina Việt Nam” hay không.
- Một nền bóng đá được xem là chuyên nghiệp, ngoài cầu thủ phải chuyên nghiệp thì đội ngũ trọng tài cũng phải theo chuyên nghiệp hóa – là một nghề thực sự. Vậy ở VN thì trọng tài có được xem là một nghề như bao nghề khác không? Để điều khiển được một trận đấu đấu tốt thì điều kiện “cần” và “đủ” của một trọng tài là gì? (PHAN HOÀNG PHONG, 207, tổ 7, ấp Chợ Trạm, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước – Long An).
Hiện nay, FIFA đang thử nghiệm vấn đề chuyên nghiệp ở trọng tài còn ở Việt Nam, đến nay bóng đá vẫn chưa thực sự là chuyên nghiệp, trọng tài đến nay chỉ là một nghề tay trái. Do đó, trước mắt phải giải quyết tốt chế độ rồi dần dần khi các nước có trọng tài chuyên nghiệp thì chúng ta cũng sẽ chuyên nghiệp thôi.
- Với cương vị là Ủy viên HĐTT quốc gia, ông nghĩ thế nào về trường hợp của trọng tài Lương Trung Việt? Nếu thật sự có bằng chứng trọng tài Việt vi phạm thì không hẳn một mình trọng tài Việt bị xử phạt mà còn những người đứng ở phía sau ông ta? Nếu không có bằng chứng rõ ràng thì ai sẽ là người trả lại sự trong sạch cho trọng tài Việt? (người hâm mộ bóng đá – điện thoại: 0918.353.210).
Dù là Ủy viên HĐTT quốc gia, tôi cũng không được biết vụ việc trên như thế nào. Nếu trọng tài Việt có sai phạm, tôi tin LĐBĐVN và BTC giải sẽ làm đến nơi đến chốn. Nhưng đến nay, chưa ai kết luận là trọng tài Lương Trung Việt có sai hay không.
Câu hỏi của bạn (NGUYỄN THỊ MỸ YẾN, 254/36 Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6 – TPHCM) được ông Bùi Như Đức chọn là câu hỏi hay nhất.