Sau “Ngày thứ ba đen tối” hôm 16-12, đồng ruble Nga đã mất giá tới hơn 19%. Chính phủ Nga tiếp tục áp dụng hàng loạt biện pháp nước rút để cứu đồng nội tệ, tuyên bố dùng 7 tỷ USD để vực dậy đồng ruble và ổn định thị trường. Giới chức Nga đã nới lỏng các tiêu chuẩn kế toán để hạn chế nhu cầu về USD của các ngân hàng, hy vọng sẽ có thể xoa dịu nỗi lo rằng đà giảm của đồng ruble sẽ thổi bùng lên một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện.
Người dân Nga đối phó với tình trạng đồng ruble mất giá bằng cách biến tiền thành hàng hóa.
Phản ứng kịp thời
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) quyết định nâng lãi suất đến 17%/năm, cho phép các ngân hàng sử dụng mức tỷ giá của quý III để định giá các tài sản có mức độ rủi ro cao và tạm ngừng áp dụng tiêu chuẩn kế toán theo giá trị thị trường. Sau khi thông báo được đưa ra, đồng ruble tăng giá 9,4% so với USD, giúp thu hẹp đà giảm kể từ đầu năm đến nay.
Hiện giá trị đồng ruble đã tương đối bình ổn, duy trì ở mức trên dưới 60 ruble/USD. Số liệu của Bloomberg cho thấy các công ty Nga đang đối mặt với khoản nợ bằng ngoại tệ 20,3 tỷ USD và phải hoàn trả trước khi tháng 3 kết thúc. Đồng ruble đã giảm tổng cộng 35% trong quý 4.
Tình trạng hỗn loạn trên thị trường tiền tệ Nga những ngày qua được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Phát biểu ngay sau sự sụt giảm sâu của đồng nội tệ, Thống đốc CBR Elvira Nabiullina cho rằng thị trường tiền tệ Nga đang chịu áp lực từ sự đầu cơ. Đồng ruble rớt giá liên tục trong suốt nhiều tháng qua đã hình thành tâm lý hoảng loạn trong người dân, sự mất cân đối giữa cung và cầu đối với đồng USD dẫn đến một thực tế là đồng USD càng tăng giá thì người dân lại càng sẵn sàng muốn mua USD để tích trữ.
Giá dầu sụt giảm cũng là nguyên nhân khiến nền kinh tế Nga thiệt hại khoảng 90 - 100 tỷ USD/năm, bởi doanh thu từ dầu mỏ, khí đốt chiếm đến 50% ngân sách và 60% xuất khẩu của Nga. Giá mặt hàng xuất khẩu chủ lực này của Nga hiện đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 5 năm qua.
Vực dậy bằng nội lực
Dù đồng ruble tạm bình ổn trở lại, song thị trường tài chính Nga vẫn trong cơn choáng váng. Lần đầu tiên sau 6 năm, kinh tế Nga đang đứng trước ngưỡng cửa suy thoái, nên Chính phủ Nga tích cực vào cuộc, thúc đẩy chính sách kinh tế mới cùng những cải cách cơ cấu quyết liệt để đa dạng hóa nền kinh tế, tăng năng suất, hiệu quả đầu tư và đặc biệt là kích thích kinh tế phát triển trở lại càng nhanh càng tốt.
Tổng thống Nga V.Putin nhận định, sự khó khăn của kinh tế hiện nay của Nga là do các yếu tố bên ngoài tác động, nhưng Nga có đủ dự trữ ngoại tệ (hiện ở mức 419 tỷ USD) để giữ ổn định nền kinh tế. Ông Putin kêu gọi toàn dân chung sức vực dậy thị trường nội địa. Sau lời kêu gọi của ông Putin, tỷ phú Nga Alisher Usmanov - ông trùm ngành thép và viễn thông Nga đã chuyển hết số cổ phiếu ông sở hữu từ 2 công ty Megafon và Metalloinvest cho 2 công ty nhà nước. Megafon là công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ 2 ở Nga với hơn 71 triệu khách hàng, còn Metalloinvest là công ty khai thác khoáng sản lớn nhất của Nga.
Việc nhà tỷ phú giàu nhất nước Nga hiến 2 công ty cho Nhà nước để góp phần giải cứu nên kinh tế rõ ràng là một tín hiệu tốt đẹp, mở đường cho trào lưu các nhà tư bản Nga trong và ngoài nước đổ tiền đầu tư, vực dậy nền kinh tế trong giai đoạn ngắn hạn, trước khi các chính sách chuyển đổi vĩ mô nền kinh tế của Nga phát huy được hiệu quả.
Ngoài ra, ông Putin cũng đưa ra các biện pháp kinh tế bao gồm: miễn 4 năm thuế suất cho các doanh nghiệp; miễn thuế hoàn toàn với các dòng vốn quay trở lại Nga. Dòng vốn nước ngoài vào Nga trong năm nay ước tính đạt hơn 100 tỷ USD.
Việt Anh (tổng hợp)