Ngày 13-5, Mỹ tiếp tục buổi lễ động thổ tại Redzikowo, Ba Lan, gần biển Baltic, nhằm lắp đặt hệ thống phòng chống tên lửa Aegis. Dự kiến, hệ thống này sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2018. Hành động mới của Mỹ tiếp tục làm nảy sinh căng thẳng với Nga - quốc gia đã lên tiếng cảnh báo rằng động thái này đe dọa hòa bình châu Âu.
Sát cửa ngõ Nga
Mỹ tuyên bố hệ thống Aegis là lá chắn trên mặt đất để bảo vệ Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khỏi các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, nhất là từ Trung Đông. Nhiều năm qua, Mỹ cũng đã thử nghiệm hệ thống vũ khí này trên các tàu chiến. Hệ thống tên lửa Aegis là một phần của chương trình Tiếp cận châu Âu thích ứng từng giai đoạn (EPAA), được lập ra để bảo vệ các nước NATO trước các mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Trung Đông (Iran). Chương trình EPAA được chính quyền Tổng thống Barack Obama lập ra vào năm 2009 gồm 3 giai đoạn từ năm 2011 đến 2018.
Cơ sở phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Romania
Trước đó, vào ngày 12-5, hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis tại Romania đã chính thức đi vào hoạt động. Hệ thống này được bắt đầu xây dựng từ tháng 10-2013 và tiêu tốn khoảng 800 triệu USD. Hệ thống mới triển khai ở Ba Lan tọa lạc ở địa điểm cách Kaliningrad (Nga) 250km. Hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu có thể cải biến để phóng Tomahawks. Mỹ khẳng định, hệ thống phòng thủ được đặt tại Deveselu ở miền Nam Romania này sẽ giúp bảo vệ các thành viên NATO khỏi mối hiểm họa tên lửa tầm ngắn và tầm trung từ Trung Đông. Tuy nhiên, Nga cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania là thách thức nhắm tới sát cửa ngõ của Nga vì có rất nhiều minh chứng cho điều ngược lại.
Cùng ngày, phát biểu tại một cuộc họp về sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, sẽ buộc phải tìm cách để ngăn chặn các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia từ việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở châu Âu. Các chuyên gia quốc phòng Nga tin rằng, hệ thống phóng tên lửa đánh chặn ở Romania và Ba Lan hoàn toàn có thể bị bí mật chuyển đổi để phóng tên lửa hành trình Tomahawk nhắm vào Nga. Mỹ bị cấm triển khai tên lửa Tomahawk tại châu Âu chiểu theo Hiệp ước Tên lửa tầm trung (INF) mà đại diện hai bên đã đặt bút ký năm 1987. Nga nhấn mạnh rằng, hệ thống tên lửa Mỹ triển khai tại Romania là vi phạm Hiệp ước về tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Theo Hiệp ước này, các bên cam kết không triển khai lắp đặt tên lửa hành trình có tầm bắn 500 - 5.500km.
Động thái chính trị
Theo Giám đốc Các vấn đề phổ biến và kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Nga, ông Mikhail Ulyanov, quyết định trên là sai lầm và gây hại, vì nó có khả năng đảo lộn sự ổn định chiến lược và lợi ích của Nga sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi điều này. Chương trình tên lửa của Iran không đe dọa các nước NATO. Trong khi đó, đánh giá về khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu, ông George Friedman, cựu Giám đốc Tổ chức phân tích tình báo Stratfor, cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai tại Romania không đủ sức để bảo vệ châu Âu trong trường hợp Nga tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân toàn diện. Chuyên gia này cho rằng, việc Mỹ lập các lá chắn tên lửa ở Đông Âu thực chất chỉ là một động thái chính trị nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với các đồng minh trong khu vực.
Nga trước đó cũng tuyên bố rằng, nước này sẽ phát triển dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa đời mới có khả năng khoan thủng hệ thống phòng ngự của Mỹ. Sergey Karakayev, Tổng chỉ huy Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga cho biết, nước này đang cải tiến độ chính xác của tên lửa, nâng cấp đầu đạn mới và giúp quỹ đạo bay của tên lửa khó đánh chặn hơn.
THANH HẰNG (tổng hợp)