Trọng tâm của chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ của ông John Kerry là vấn đề Syria. Vì vậy, trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, hầu hết thời gian được dành cho vấn đề Syria với điểm chung là không thể chấp nhận bạo động kéo dài ở nước Trung Đông này.
Thúc đẩy giải pháp đối thoại
Syria là trọng tâm cuộc hội đàm ngày 26-2 giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ở Berlin, Đức. Hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland, người tháp tùng ông Kerry trong chuyến công du, cho biết cuộc thảo luận diễn ra nghiêm túc khi hai bên nỗ lực thảo luận các phương án thực thi Thỏa thuận Geneva vốn được “Nhóm hành động”, trong đó có Nga và Mỹ, thông qua hồi tháng 6 năm ngoái. Thỏa thuận Geneva kêu gọi Chính phủ Syria và lực lượng đối lập thảo luận về một giai đoạn chuyển tiếp sau khi Tổng thống Bashar al- Assad từ chức.
Hãng tin Nga Novosti dẫn lời Ngoại trưởng Nga Lavrov sau cuộc gặp với người đồng cấp John Kerry cho biết Nga và Mỹ sẽ làm hết sức mình để đưa Chính phủ Syria và lực lượng đối lập đối thoại với nhau. “Không ai có thể giải quyết thay vấn đề của người Syria nhưng để tìm giải pháp thì điều cần thiết là hai bên phải ngồi lại với nhau” - Ngoại trưởng Nga Lavrov nói sau cuộc gặp kéo dài gần 2 giờ với ông Kerry. Cuộc gặp được bà Nuland cho là “thật sự nghiêm túc và tập trung”.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết thêm, vấn đề quan trọng nhất mà Nga và Mỹ cùng đồng ý là việc tiếp tục cuộc nội chiến ở Syria là điều không thể chấp nhận.
Trong khi đó, trong buổi làm việc ngày 25-2 tại Mátxcơva với Ngoại trưởng Lavrov, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Syria, ông Walid al-Muallem khẳng định, Damacus sẵn sàng đàm phán với phe chống đối.
Lo ngại thành phần cực đoan
Theo CNN, Nhà Trắng đang thiên về khả năng viện trợ cho lực lượng đối lập Syria, chủ yếu là “Quân đội Syria tự do” nhằm gia tăng sức ép buộc Tổng thống al-Assad phải từ chức. Khoản viện trợ này bao gồm cả kỹ thuật huấn luyện quân sự mặc dù Washington vẫn xem đây là viện trợ phi quân sự (không kèm vũ khí). Theo một nguồn tin ở Washington, Mỹ có thể viện trợ các thiết bị chuyên dụng cho cả quân sự và dân sự như phương tiện truyền thông, áo giáp chống đạn, thiết bị nhìn ban đêm, xe quân sự. Ngoài ra, Mỹ cũng cam kết giúp chính phủ lưu vong mới của Syria nhiều trang thiết bị làm việc.
EU cũng có hành động tương tự khi cho biết mặc dù họ không dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho Syria nhưng sẽ nới lỏng viện trợ các mặt hàng quân sự ngoại trừ vũ khí. Quyết định cuối cùng của Mỹ về vấn đề viện trợ cho lực lượng đối lập Syria sẽ được đưa ra vào ngày 28-2, khi Ngoại trưởng Kerry tham dự một hội nghị quốc tế về Syria tại Rome, Italia.
Trong khi đó, lực lượng chống đối ở Syria cho biết họ đã nhận được các vũ khí hiện đại giúp thu hẹp chênh lệch về vũ khí với các lực lượng chính phủ. Lô hàng “của các nước bảo trợ” này được chuyển tới Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng trước bao gồm tiền mặt để chi trả cho các chiến binh, các thiết bị vác vai và di động, trong đó có vũ khí phòng không - chống tăng, pháo và súng phóng lựu đạn.
Phát biểu với báo chí, Ngoại trưởng Nga Lavrov cảnh báo rằng lực lượng đối lập Syria hiện do thành phần cực đoan chi phối. Thành phần này chỉ muốn dùng giải pháp quân sự, không chấp nhận đối thoại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrel nói với các phóng viên tại Washington rằng Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về thành phần cực đoan trong lực lượng đối lập Syria.
Mỹ và EU dường như chưa có giải pháp ngăn chặn những thiết bị quân sự của họ rơi vào tay lực lượng cực đoan như từng đã xảy ra ở nhiều nước.
THỤY VŨ tổng hợp