Hiện nay đại diện doanh nghiệp Nga tại Việt Nam về cơ bản là những tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và chế tạo máy.
Tuy nhiên, theo Đài Tiếng nói nước Nga, với thị trường phát triển mạnh về hàng hóa và dịch vụ tại Việt Nam, sự hiện diện của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nga vẫn rất yếu ớt, mặc dù công nghệ Nga hoàn toàn có thể được áp dụng rộng rãi ở đất nước phương Nam nhiệt đới này.
Thủy sản Việt Nam vẫn là mặt hàng được ưa chuộng tại Nga.
Doanh nhân Nga đổ bộ vào Việt Nam
Để chấn chỉnh tình trạng này, cách đây chưa lâu đã có phái đoàn doanh nghiệp từ Mátxcơva đến Việt Nam với sứ mệnh thúc đẩy các sản phẩm và dịch vụ ứng nghiệm tiên tiến của Nga sang thị trường Việt Nam. Đoàn bao gồm đại diện của hơn 25 công ty công nghệ cao của Nga, cả các cơ sở lớn, tầm trung và nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực thông tin và công nghệ không gian, điện tử, bảo tồn năng lượng, công nghệ sinh học, dược phẩm, môi trường, công nghệ y học và những vật liệu mới. Bên cạnh vai trò tổ chức của Đại diện Thương mại Nga tại Việt Nam, tham gia phái đoàn này có thành viên từ Cơ quan Liên bang Nga về doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lãnh đạo phái đoàn là Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga, ông Aleksei Likhachev.
Chuyến thăm khảo sát - trao đổi của phái đoàn Nga thu hút sự quan tâm lớn của các nhà doanh nghiệp Việt Nam, hơn 200 người đã tham gia các phiên họp toàn thể tại Hà Nội và TPHCM, rồi sau đó là những cuộc giao lưu gặp gỡ riêng của các doanh nhân Nga và những đồng nghiệp Việt Nam muốn tìm hiểu về sản phẩm hàng hóa từ xứ sở bạch dương. Kết quả là đã đạt được thỏa thuận về hợp tác trong các lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, sản xuất polymer, công nghệ sinh học và dược phẩm.
Đặt hàng chất lượng
Một trong những đề xuất được hoan nghênh nhiệt liệt tại Việt Nam, là dự án thành lập cửa hàng trực tuyến Internet, tạo điều kiện cho người tiêu dùng Nga nhận trực tiếp từ các nhà sản xuất Việt Nam những sản phẩm chất lượng cao gửi thẳng từ những cơ sở này sang Nga. Việt Nam hiện nằm trong danh sách các nhà xuất khẩu mạnh về thiết bị điện tử và linh kiện, quần áo và giày dép, đồ gỗ nội thất. Người tiêu dùng Nga hiện nay cũng mua sắm hàng hóa của những thương hiệu nổi tiếng thế giới, được sản xuất tại Việt Nam, thông qua mạng lưới mua sắm trực tuyến của Mỹ hoặc Trung Quốc. Nếu khâu đó được thực hiện trực tiếp không qua cầu trung gian nước khác, thì lợi ích là rõ rệt. Ngoài ra, người dân Nga sẽ có thể đặt làm cả những món hàng nguyên bản Việt Nam, chẳng hạn như các sản phẩm công nghiệp nhẹ, có chất lượng cao mà giá cả lại rất hợp lý.
Để đạt thành quả cho một công ty như vậy cần không ít điều kiện, nhưng một trong những yêu cầu quan trọng nhất là quảng bá thông tin về các sản phẩm Việt Nam đến tận người tiêu dùng Nga. Tình trạng thiếu thông tin khách quan và đa dạng về Việt Nam, cũng như không cập nhật về sự phát triển và đặc điểm của nền kinh tế của nước đối tác này là một trong những nguyên nhân ngăn cản đà thâm nhập của các doanh nghiệp Nga vào thị trường Việt Nam, ông Vitaly Golyshko nhận xét.
Doanh nhân Nga này còn bày tỏ hy vọng rằng, với khởi đầu triển khai công việc trong năm 2015 của Khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước thuộc Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan, sẽ tăng mạnh đội ngũ doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước trên địa bàn rộng lớn đầy tiềm năng này.
THỤY VŨ (tổng hợp)