Ngay sau khi Nghị viện Cộng hòa tự trị Crimea bỏ phiếu nhất trí tổ chức trưng cầu dân ý ngày 16-3 về khả năng sáp nhập vào LB Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã phản đối kịch liệt. Hàng loạt lệnh trừng phạt mới được Mỹ và EU áp đặt lên Nga và Crimea khiến tình hình ngày càng phức tạp, căng thẳng.
Nga tuân thủ luật pháp quốc tế
Trên kênh truyền hình quốc gia Rossiya 24, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, cho rằng những nỗ lực của Tổng thống Nga Putin nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã không được thấu hiểu. Ông Dmitry Peskov nói rằng Nga không hề sắp đặt các sự kiện tại Ukraine mà ngược lại, chính phương Tây làm điều này.
Đài Tiếng nói nước Nga ngày 7-3 dẫn phát biểu của Chủ tịch Hạ viện quốc gia Nga Sergei Naryshkin tuyên bố Quốc hội nước này sẽ tôn trọng lựa chọn mang tính lịch sử của Cộng hòa tự trị Crimea trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Theo RT, cảnh sát Nga cho biết hơn 65.000 người vẫy cờ Nga đã tham gia cuộc tuần hành gần Thánh đường St Basil ở trung tâm thủ đô Mátxcơva để thể hiện tình đoàn kết với chính quyền thân Nga ở Crimea. Trong khi đó, theo CNN, Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk khẳng định: “Crimea đã, đang và sẽ là một phần không thể thiếu của Ukraine”.
Chủ tịch Quốc hội Ukraine Alexandr Turchynov cũng là quyền Tổng thống Ukraine cùng ngày đã ký một sắc lệnh bác bỏ kế hoạch trưng cầu dân ý trên.
Ngay sau cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ với Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Nga Putin khẳng định rằng Nga - Mỹ vẫn còn nhiều bất đồng trong việc đánh giá và xử lý khủng hoảng ở Ukraine. Đây là cuộc điện đàm thứ hai giữa 2 vị nguyên thủ trong một tuần qua. Điện Kremlin ngày 7-3 nhấn mạnh chính quyền mới ở Kiev, vốn lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính vi hiến, đã áp đặt các quyết định hoàn toàn phi pháp đối với khu vực phía Đông, Đông Nam và Cộng hòa tự trị Crimea. Tổng thống Putin khẳng định Nga không thể làm ngơ trước những kêu gọi giúp đỡ trong vấn đề này và do đó, cách hành xử của Mátxcơva hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế.
AP ngày 7-3 đưa tin, ngoài 6 chiếc máy bay tiêm kích động cơ phản lực F-15, Mỹ tiếp tục điều quân lực và 12 máy bay F-16 tới Ba Lan để tập trận vào tuần sau. Theo AP, tàu khu trục USS Truxtun thuộc Hạm đội 6 của Mỹ đã rời cảng ở vịnh Souda của Hy Lạp để đến Biển Đen tham gia diễn tập chung với Romania và Bulgaria. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cho rằng Washington nên phối hợp với các đồng minh châu Âu để hỗ trợ về tình báo, an ninh và quân sự cho Ukraine. Ông cho rằng Ba Lan có vị trí tốt nhất để từ đó Mỹ có thể triển khai nhanh nhất các hoạt động hỗ trợ Ukraine. |
Theo AFP, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cảnh báo Ukraine rằng tập đoàn này có thể ngừng xuất khẩu khí đốt nếu chính quyền mới ở Kiev không trả khoản nợ hiện ở mức 1,89 tỷ USD. Nga khẳng định không thể cung cấp khí đốt miễn phí cho Ukraine thêm nữa.
Trước dòng thông tin tiêu cực mà truyền thông phương Tây, nhất là Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra để công kích Tổng thống Nga Putin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Aleksandr Lukashevich nhấn mạnh Chính phủ Mỹ không đủ tư cách để rao giảng về luật quốc tế cũng như tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác. Ông Aleksandr Lukashevich đã dẫn một số ví dụ về hành động can thiệp quân sự của Mỹ vào các nước vốn chưa từng đe dọa an ninh đối với Washington, như Việt Nam, Lebanon, Cộng hòa Dominica, Grenada, Libya và Panama. Ông cho rằng phản ứng của Mỹ là đáng xấu hổ.
Theo Itar-Tass, thủ lĩnh nhóm dân tộc cực đoan Pravyi Sektor (Khu vực cánh hữu) ở Ukraine, ông Dmitry Yarosh, ngày 7-3 đã đề nghị chính quyền Kiev cung cấp vũ khí cho các đơn vị của nhóm này. Cùng ngày, Ủy ban Điều tra LB Nga đã đề nghị Tòa án quận Basmanny của Mátxcơva bắt giữ vắng mặt thủ lĩnh Khu vực cánh hữu Yarosh trong khi các cơ quan thực thi luật pháp Nga tuyên bố truy nã quốc tế đối với nhân vật này. Ngày 5-3, Quốc hội Ukraine đã đề xuất trao cho nhóm Pravyi Sektor quy chế là lực lượng bán quân sự thường trực.
EU chia rẽ vì Nga
Ngay sau cuộc họp khẩn cấp ở Brussels của Bỉ, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một thông cáo chung, tuyên bố rằng Nga đang vi phạm chủ quyền của Ukraine. Các nước kêu gọi Nga rút quân khỏi Crimea nhưng trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng khẳng định Nga không điều quân đến Crimea như cách báo chí phương Tây đã đưa. EU đã đề xuất hình thức xử phạt Nga gồm 3 bước. Trước tiên, và đang được áp dụng, là tạm ngừng các cuộc đàm phán với Nga về miễn thị thực du lịch tới các nước trong khối. Tuyên bố cũng nói rằng, nếu Nga không đáp ứng và bắt đầu tham gia vào tiến trình hòa giải, EU sẽ xem xét việc áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản của các quan chức Nga.
Tuy nhiên, trong nội bộ EU cũng chưa thống nhất về mức độ trừng phạt Nga. Đức và một số nước vẫn tỏ thái độ dè chừng vì không muốn quan hệ EU - Nga bị tổn hại quá nhiều. Theo Le Monde, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 7-3 xác nhận thương vụ bán tàu chiến hiện đại Mistral cho Nga vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp việc phương Tây và Nga bất đồng quan điểm về vấn đề Crimea.
Japan Times dẫn nguồn tin Chính phủ Nhật Bản đưa tin, ngày 7-3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama về tình hình Ukraine. Ông Shinzo Abe nói Chính phủ Nhật Bản đang thảo luận về khả năng sẽ hoãn chuyến thăm của Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Tướng Valery Gerasimov, tới Nhật Bản trong vài tuần tới.
Theo New York Times, chính quyền Washington ngày 7-3 đã áp đặt lệnh cấm cấp thị thực cũng như ký mệnh lệnh trừng phạt đối với các quan chức và những công dân Nga cũng như Cộng hòa tự trị Crimea bị cho là có hành vi làm tổn hại sự đoàn kết và chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. Trước quyết định này của Mỹ, các quan chức Nga đã bày tỏ tức giận và cho biết có khả năng Nga sẽ đáp lại bằng những lệnh trừng phạt nhằm vào Mỹ. Trước đó, Lầu Năm Góc đã tuyên bố tạm ngưng mọi hợp tác quân sự cũng như đàm phán thương mại với Nga.
Cuba lên án Mỹ và NATO
Prensa Latina ngày 7-3 đưa tin, Cuba đã lên án một số nước âm mưu gây bất ổn và tìm cách lật đổ Chính phủ ở Ukraine và Venezuela. Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez lên án cái mà ông gọi là “hành vi đạo đức giả, tiêu chuẩn kép đầy khiêu khích” của Washington và NATO trong việc lật đổ chính phủ thân Nga ở Ukraine. Ông khẳng định Cuba không chấp nhận hành vi lật đổ bằng bạo lực đối với một chính phủ hợp hiến.
Theo Fox News, trong một bức thư gửi Tổng thống Nga, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho rằng ông Putin ngăn chặn được lực lượng cực đoan khủng bố tiếm quyền ở Kiev. Đây là bình luận đầu tiên của ông Assad kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ.
Theo ABC News, cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol cho biết, họ đang cân nhắc và điều tra, thu thập thêm thông tin để đưa ra thái độ cụ thể đối với Tổng thống bị phế truất của Ukraine Yanukovych. Ngày 5-3, Ukraine đã yêu cầu Interpol phát lệnh “Thông báo đỏ” báo cho 190 nước thành viên của Interpol rằng ông Yanukovych hiện đang bị truy nã với cáo buộc ông Yanukovych lạm dụng quyền lực và giết người. Theo LHQ, những yêu cầu này chưa đủ chứng cứ thuyết phục.
Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk ngày 7-3 tuyên bố Kiev sẽ sớm ký kết các điều khoản chính trị trong thỏa thuận liên kết với EU. Trong một diễn biến khác, ông Arseniy Yatsenyuk đã bác bỏ khả năng Ukraine sớm gia nhập NATO vì theo ông, đây không phải là vấn đề cấp bách ở thời điểm này. Chính quyền Mátxcơva đã phản đối quyết liệt khả năng trên vì lý do liên quan đến an ninh. |
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)
>> Căng thẳng Nga-Mỹ liên quan đến bất ổn ở Ukraine
>> Nghị viện Cộng hòa tự trị Crimea bỏ phiếu nhất trí sáp nhập vào LB Nga