Ngày 17-12, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thông qua thỏa thuận kết nạp Nga trở thành thành viên thứ 154. Đối với nước Nga, đây là một thỏa thuận mang tính lịch sử, đánh dấu một chương mới trên con đường Nga trở thành một siêu cường mới trên bản đồ chính trị quốc tế.
Đặt lợi ích quốc gia lên trên hết
Thỏa thuận kết nạp Nga là dấu chấm kết thúc quá trình 18 năm đàm phán kiên trì của Mátxcơva, đồng nghĩa với việc Nga sẽ không còn là quốc gia cuối cùng của nhóm G20 đứng ngoài WTO. Kết quả tốt đẹp này cũng ghi nhận những nỗ lực không ngừng của chính phủ trong quá trình đổi mới và cải cách mạnh mẽ từ những năm 2000, đưa Nga trở thành một quốc gia có vị trí vững mạnh như hiện nay. Nước Nga từng lâm vào khủng hoảng toàn diện, đối mặt với nhiều nguy cơ: thiết chế nhà nước liên bang bên bờ vực tan rã khi xu hướng ly khai bùng lên ở Tresnia và chiến dịch đòi chủ quyền lan ra nhiều khu vực khác; các hoạt động khủng bố, bạo loạn khiến toàn bộ vùng Kavkaz bất ổn, sản xuất đình đốn, tài chính khủng hoảng, Nhà nước vỡ nợ năm 1998, xung đột giữa các nhánh chính quyền, các lực lượng chính trị và các tầng lớp trong xã hội Nga diễn ra gay gắt.
Kể từ khi Tổng thống và nay là Thủ tướng Putin lên nắm quyền vào tháng 8-1999, nước Nga đã xây dựng nền móng chiến lược khôi phục vị thế siêu cường của mình, từng bước củng cố quyền lực từ trung ương đến địa phương. Sang nhiệm kỳ 2 bắt đầu từ năm 2004, ông Putin tiếp tục cải cách toàn diện với việc đẩy nhanh chiến lược phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao địa vị của Nga trên trường quốc tế.
Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua, Nga đã tích cực điều chỉnh chính sách đối ngoại, theo đó bám sát tư tưởng “đặt lợi ích quốc gia lên trên hết”. Vì vậy, một mặt, Nga xây dựng quan hệ song phương với Mỹ, EU, tái khẳng định vai trò trung tâm trong Cộng đồng các quốc gia độc lập, duy trì quan hệ với các nước châu Á và Trung Đông. Mặt khác, Nga cũng coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc và mối quan hệ này đang phát triển tốt đẹp.
Nhà nước và chính phủ Nga do bộ đôi “Medvedev và Putin” cùng phối hợp lãnh đạo đã tạo nền tảng cho hệ thống chính trị và xã hội không bị Mỹ hay châu Âu chi phối. Trên diễn đàn chính trị quốc tế, Nga đã góp những tiếng nói mạnh mẽ hơn trong những sự kiện mang tính ảnh hưởng trên toàn cầu. Ví dụ rõ nhất là trong cuộc xung đột tại Syria, Nga đã đề xuất dự thảo nghị quyết về Syria, phản đối biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây sử dụng với Syria. Trong những năm qua, Nga đã có các phản ứng trước chính sách đơn phương của Mỹ trong cuộc chiến tại Iraq, việc NATO lấn sang phía Đông, đe dọa Iran hoặc xu hướng thiết lập hệ thống chống tên lửa trên lãnh thổ Ba Lan.
Phát triển kinh tế song song đầu tư tri thức
Trong khi mức tăng trưởng kinh tế thế giới chưa hồi phục hoàn toàn, châu Âu đang loay hoay với bài toán cắt giảm thâm hụt ngân sách để tránh vết xe đổ vì vỡ nợ như Hy Lạp, thì Nga, đất nước cũng chịu ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, lại có mức tăng trưởng 4,8% trong quý 3 năm 2011. Tuy thấp hơn so với dự kiến trước đó của Chính phủ Nga là 5,1% nhưng đây vẫn là con số cao trong khu vực châu Âu.
Trước đó, IMF đã dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 4% trong năm nay. Lý do là khối ngân hàng và tài chính Nga không chịu nhiều tác động trong vấn đề nợ châu Âu. Cách đây hơn một thập kỷ, tổng sản phẩm quốc nội của Nga chỉ đạt 250 tỷ USD thì trong năm 2011, con số này đã lên tới 1.900 tỷ USD. Nga có khoản nợ công ít, chỉ chiếm 13% GDP so với 100% ở Mỹ và 200% ở Nhật Bản. Tổng nợ của Nga, bao gồm tất cả các loại vay mượn tư nhân và nhà nước khoảng 60% so với 200% ở Mỹ và 300% ở Hy Lạp. So sánh nợ của Nga với nợ của các nước, nợ của Nga thấp hơn nhiều so với các nước có khả năng cạnh tranh bình đẳng.
Nguồn tài nguyên của Nga vô cùng phong phú, nhất là khí đốt, chiếm 25% trữ lượng khí đốt toàn thế giới. Nga đã xây dựng thành công “Dòng chảy phương Bắc” đưa khí đốt Nga chạy thẳng tới Đức qua biển Baltic, nhằm giảm sự phụ thuộc của Nga vào các đường ống của Ukraine, từng bị ngừng do những tranh cãi giữa Mátxcơva và Kiev. Tiếp theo sự thành công của “Dòng chảy phương Bắc”, Nga tiếp tục xây dựng “Dòng chảy phương Nam”, vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu qua Biển Đen. Đường ống dự kiến sẽ cung cấp khí đốt cho 6 quốc gia gồm Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, Áo và Italia trong giai đoạn 1 và 4 nước Croatia, Macedonia, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ở giai đoạn 2. Việc thi công dự án sẽ bắt đầu năm 2012, và khí đốt sẽ bắt đầu chảy từ năm 2015.
Tuy khí đốt là nguồn doanh thu khổng lồ giúp nền kinh tế Nga tăng trưởng mạnh, mang lại nguồn thu gần 1 tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, nhưng chính phủ Nga đã dần chuyển hướng sang việc đầu tư tri thức.
Ngoài dự án thành lập một “thung lũng Silicon” chuyên về khoa học công nghệ cao ở ngoại ô Mátxcơva, Nga còn mời gọi những trí thức từng tu nghiệp ở nước ngoài hoặc rời khỏi Nga trong thời kỳ nước này xảy ra nhiều biến động trở về cống hiến cho đất nước thông qua nhiều chính sách ưu đãi lớn. Chính phủ Nga đã lập kế hoạch “thu hút chất xám” trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, đưa nền kinh tế tri thức trở thành yếu tố chủ đạo trong nền kinh tế Nga, chuyển đổi nền kinh tế quốc gia từ các ngành nghề truyền thống sang các ngành nghề tri thức mới.
Tiềm lực quân sự
Thủ tướng Putin đang thiết lập nền móng đầu tiên cho việc thành lập “Liên minh Âu - Á” gồm các quốc gia trong liên bang Xô Viết cũ. Động thái này được coi là một thách thức đối với phương Tây và là một cú huých nhằm tái thiết lại vị trí siêu cường của Mátxcơva trước đây. Ông Putin đưa ra ý tưởng này trong bối cảnh quân đội Nga đang tăng cường hiện đại hóa quân đội với kế hoạch chi 730 tỷ USD để trang bị, chỉnh đốn các lực lượng vũ trang, mua sắm các loại vũ khí cho tới năm 2020.
Theo kế hoạch này, quân đội Nga sẽ tiếp nhận 1.000 máy bay trực thăng mới, 600 chiến đấu cơ và 100 tàu chiến, bao gồm cả các hàng không mẫu hạm và 8 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo. Một thế hệ các tên lửa xuyên lục địa thế hệ mới và các hệ thống phòng không tân tiến cũng được chú ý. Tổng thống Medvedev khẳng định, Nga cần bắt kịp NATO và Mỹ, sau hai thập kỷ bị coi là “cường quốc hạng ba”.
| |
Thanh Hằng