Ngắc ngoải chờ mổ tim!

Chết trong lúc chờ đợi
Ngắc ngoải chờ mổ tim!

Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong bổ sung nhân lực, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến nhưng hiện Việt Nam vẫn quá tải lượng bệnh nhân cần mổ tim. Thậm chí do thời gian chờ đợi quá lâu, nhiều trẻ bị tim bẩm sinh đã tử vong trước khi được phẫu thuật.

Chết trong lúc chờ đợi

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, từ khi triển khai mổ tim năm 2004, đến nay BV đã phẫu thuật cho trên 3.000 ca, trong đó 645 ca tim bẩm sinh nặng, phức tạp và 125 bệnh nhi sơ sinh. “Tuy nhiên, bệnh nhi cần mổ tim vẫn xếp hàng dài chờ đợi đến lượt. Năng lực BV chưa đáp ứng hết yêu cầu tuy đã cố gắng hết sức”, bác sĩ Hùng nói. Theo số liệu của BV Nhi đồng 1, hiện nơi đây còn hơn 1.300 trẻ mắc bệnh tim nằm trong danh sách chờ mổ. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng ngậm ngùi cho biết đã có rất nhiều cháu trong số đó đã chờ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Còn PGS-TS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch - BV Nhi đồng 1, cũng xót xa khi thỉnh thoảng được tin một số bệnh nhi bị bệnh tim bẩm sinh đã không tái khám như thường lệ. “Mỗi lần có em nào đó trong danh sách không tái khám, chúng tôi lại quặn lòng vì ắt hẳn cháu đã không qua khỏi trong chờ đợi”. Theo PGS-TS Vũ Minh Phúc, hiện mỗi tuần khả năng của BV phẫu thuật khoảng 5 đến 7 ca mắc bệnh tim bẩm sinh, trong đó 2 - 3 ca cấp cứu nặng, chưa thấm vào đâu so với nhu cầu.

Tương tự, tại BV Nhi đồng 2 TPHCM, theo TS-BS Hà Mạnh Tuấn, Giám đốc, ngoài khả năng thông tim can thiệp từ 6 - 8 ca/tuần thì số trẻ được mổ tim hở tại đây cũng chỉ từ 2 - 3 ca/tuần. Trong khi danh sách đăng ký chờ mổ cũng dài hàng trang giấy… Còn tại Viện Tim TPHCM cũng đang quá tải nghiêm trọng cả bệnh nhi lẫn người lớn, với bình quân mỗi năm có hàng ngàn trường hợp chờ đợi.

Một ca phẫu thuật tim cho bệnh nhân

Thực tế cho thấy, năng lực phẫu thuật tim ở nhiều cơ sở y tế nước ta còn hạn chế, đặc biệt số lượng các đơn vị phẫu thuật tim cho trẻ còn ít. Ở khu vực phía Nam hiện chỉ có khoảng 8 đơn vị; còn mổ cho trẻ sơ sinh thì chỉ có BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2. Theo các chuyên gia y tế, tuy rằng các kỹ thuật hiện đại trong phẫu thuật tim bẩm sinh đã được ứng dụng, nhưng chủ yếu giúp giảm được tỷ lệ  tử vong ở trẻ mắc bệnh tim sơ sinh chứ chưa giúp giảm tải được là bao. Ghi nhận cho thấy đã không ít trẻ bị bệnh tim ngắc ngoải chờ mổ ngày càng dài. Đơn cử với danh sách khoảng 1.300 bệnh nhi đang chờ tại BV Nhi đồng 1 thì để đến lượt, một bệnh nhi phải chờ ít nhất 2 năm. Và trong thời gian này, không ít trẻ đã tử vong trước khi được níu kéo cuộc sống!

Cần vào cuộc… chia lửa

Vừa qua, Viện Tim TPHCM đã khánh thành và đưa vào sử dụng Khu kỹ thuật mới sau 2 năm cải tạo và nâng cấp. Với 4 phòng mổ, 1 khu hồi sức sau phẫu thuật tim, 2 phòng thông tim can thiệp và 10 giường lưu sau thông tim, Khu Kỹ thuật mới của Viện Tim đang “chia lửa” nhằm giảm tải số ca bệnh chờ đợi. Khu kỹ thuật mới sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng số lượng bệnh nhân được can thiệp tim, cũng như là nơi thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim và tim mạch can thiệp cho các đơn vị khác. Hiện Viện Tim TPHCM đã nỗ lực mổ tim vào cả ngày thứ bảy, thậm chí ngày chủ nhật nếu cần thiết, nhưng vẫn tính chi phí như ngày thường. Đây là biện pháp góp phần giảm số lượng bệnh nhân phải chờ. Cùng với đó, Viện Tim TPHCM cũng đã chuyển      ng chia sẻ bớt lượng bệnh nhân.

Theo các chuyên gia y tế, nhằm giảm tải cho tuyến trên và giảm bớt chờ đợi, cần có biện pháp khả thi giúp các BV tuyến dưới, các BV địa phương thực hiện được kỹ thuật phẫu thuật tim. Nghĩa là cần tăng cường chuyên môn cho các BV vệ tinh tuyến trước. Theo BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, BV này đang chuẩn bị thành lập mạng lưới quản lý và điều trị bệnh tim bẩm sinh khu vực phía Nam. Theo đó, bệnh nhi được chẩn đoán và quản lý tại cơ sở y tế địa phương, còn BV Nhi đồng 1 chịu trách nhiệm phẫu thuật. Sau khi được mổ và xuất viện, bệnh nhi sẽ được tiếp tục điều trị và theo dõi sức khỏe tại cơ sở y tế địa phương theo phác đồ của BV Nhi đồng 1. Mặt khác, ngành y tế cũng cần quan tâm đầu tư cho chuyên khoa tim, nhất là lĩnh vực can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ em. Trong đó, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị là cần thiết như tăng cường thêm phòng mổ, giường hồi sức.

Cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, trong những năm qua nhiều chương trình từ thiện cũng hướng về hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em. Mới đây, BV Đại học Y Dược TPHCM triển khai chương trình phẫu thuật từ thiện can thiệp tim miễn phí không giới hạn số lượng cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh trên cả nước do một mạnh thường quân tài trợ. Theo đó, chương trình mang tên “Trái tim hằng hữu” sẽ ưu tiên phẫu thuật cho nhiều đối tượng: trẻ em từ 1 - 6 tuổi; từ 7 - 16 tuổi (30% số lượng) và trên 16 tuổi (5% số lượng).

Theo Hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TPHCM, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trẻ chào đời mắc bệnh tim bẩm sinh. Trước năm 2000, nhiều trường hợp phải chờ 5 - 7 năm mới tới lượt mổ. Hiện thời gian chờ đợi có rút ngắn, nhưng cũng còn khá dài so với yêu cầu.
Nhờ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, tỷ lệ tử vong trong phẫu thuật tim bệnh nhi cũng giảm từ 7,7% (năm 2004) xuống còn 1,1% (năm 2014).

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục