Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, bệnh ung thư vẫn đang là một trong những gánh nặng y tế hàng đầu tại TPHCM, với số lượng bệnh nhân mắc mới liên tục gia tăng. Nhận thức được vấn đề này, thành phố đã có định hướng xây dựng một số Trung tâm Tầm soát bệnh ung thư và các bệnh không lây khác, hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ mắc mới, cải thiện tiên lượng và chất lượng sống của bệnh nhân.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng, trong bối cảnh TPHCM đang triển khai Đề án “Phát triển hệ thống y tế trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo”, Bệnh viện Ung bướu cần tiếp tục phát triển các trung tâm kỹ thuật chuyên sâu, ứng dụng mạnh mẽ các kỹ thuật hiện đại như xạ trị tiên tiến, phẫu thuật robot, điều trị đích và liệu pháp miễn dịch – hướng tới đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo hướng quốc tế hóa từ quy trình tiếp nhận, điều trị đến chăm sóc toàn diện, để trở thành điểm đến tin cậy cho cả người bệnh trong nước và khu vực.
"Bệnh viện cần tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực phát hiện sớm ung thư, điều trị cá thể hóa và chăm sóc toàn diện bệnh nhân. Tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số của ngành y tế, phát triển y tế thông minh, hướng tới xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe ung thư toàn diện, hiệu quả, hiện đại và nhân văn; tiếp tục thực hiện và tuân thủ định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, phấn đấu trở thành trung tâm tầm soát ung thư hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”, đồng chí Nguyễn Văn Dũng đề nghị.
Trước đó, phát biểu tại lễ kỷ niệm, TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, 40 năm qua, Bệnh viện Ung bướu TPHCM đã không ngừng phát triển, từ lúc ban đầu chỉ có 425 giường, 465 nhân viên; đến nay bệnh viện đã mở rộng lên đến 1.300 giường, hơn 1.900 nhân viên với đầy đủ các phương tiện điều trị đa mô thức như: 13 máy xạ trị ngoài, hệ thống xạ trị trong, 20 phòng mổ hiện đại với áp lực dương bảo đảm vô khuẩn.

Bệnh viện còn được trang bị đầy đủ các phương pháp điều trị nội khoa ung thư (hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch...); các trang thiết bị phục vụ công tác chẩn đoán như PET-CT, MRI 3 tesla, CT 128 lát, 64 lát, hệ thống xét nghiệm automation, hệ thống giải trình tự gen thế hệ mới, xét nghiệm sinh học phân tử…
Thời gian tới, Bệnh viện Ung bướu TPHCM sẽ tiếp tục phát triển các kỹ thuật chuyên sâu về xạ trị, phẫu thuật nội soi robot và phẫu thuật vi phẫu tái tạo, áp dụng các phác đồ mới về hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch; thành lập các khoa Ngoại Gan-Lồng ngực, khoa Phục hồi chức năng - Y học cổ truyền, phòng khám tầm soát chuyên gia cơ sở 1 và cơ sở 2, phòng tư vấn tâm lý lâm sàng, áp dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh X quang, trong lập kế hoạch xạ trị, trong chẩn đoán hình ảnh giải phẫu bệnh…

Giai đoạn 2026-2030, Bệnh viện Ung bướu TPHCM sẽ được đầu tư công ở 5 dự án: dự án xây dựng mới Trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao; dự án xây dựng khu Phụ trợ 2,7 ha; dự án xây dựng Trung tâm xạ trị Proton; dự án trang bị lò cyclotron và 1 máy xạ mới và dự án đầu tư các trang thiết bị y tế cho cơ sở 2.
Dịp này, UBND TPHCM đã trao tặng cờ truyền thống cho Bệnh viện Ung bướu vì đã có thành tích trong xây dựng và phát triển.
Thống kê của Bệnh viện Ung bướu TPHCM, mỗi năm tiếp nhận hơn 880.000 lượt bệnh nhân đến thăm khám, gần 55.000 lượt điều trị nội trú, hơn 375.000 lượt điều trị ngoại trú, gần 39.000 ca mổ, 180.000 lượt xạ trị và 320.000 lượt điều trị nội khoa (hóa trị, liệu pháp nhắm đích, liệu pháp miễn dịch).