Mới đây, Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) đã khám phá và tạm ngưng các server cung cấp game Tiếu Ngạo Giang Hồ lậu. Tuy nhiên, vẫn còn hàng ngàn server game lậu khác đang hoạt động bất chấp các cơ quan chức năng, công khai móc túi hàng tỷ đồng từ game thủ.
Hơn 75% là game lậu
Cuối tháng 8 vừa qua, khi game Tiếu Ngạo Giang Hồ 2 được Nhà phát hành game VGG chính thức ra mắt game thủ Việt thì cũng là lúc hàng loạt server game Tiếu Ngạo Giang Hồ lậu cũng đóng cửa hoặc không truy cập được. Ban đầu, người chơi chỉ nhận được thông báo từ diễn đàn của game về trục trặc do lỗi kỹ thuật. Thế nhưng, hơn nửa tháng đó, người chơi mới “ngã ngửa” bởi các server lậu này đã bị cơ quan chức năng xử lý. Thông tin nhà phát hành game cho biết, tổng số tài khoản người chơi trên các server lậu này có thời điểm lên tới hơn 5 ngàn tài khoản.
Mới đây nhất, hai trang Gunnyfire.net và Gbum.net cung cấp game Gunny lậu cũng đóng cửa đột ngột làm cho hàng loạt game thủ lao đao. Ngay trên fanpage của hai server game lậu này tại địa chỉ https://www.facebook.com/GunnyGbum, nhiều game thủ tỏ ra bất bình vì họ đã bỏ ra hàng triệu đồng để nâng cấp nhân vật game và giờ đang đối mặt với nguy cơ mất trắng. Trong khi đó, đơn vị phát hành game lậu này vẫn “lừa bịp” người chơi khi thông báo server đang bị lỗi và bảo trì để nâng cấp đường truyền.
Việc các tựa game nổi tiếng phải đối mặt với vấn nạn server private (hay còn gọi là server lậu) cả trong và ngoài nước đã không còn là điều gì quá mới mẻ, đó gần như là một rủi ro và thách thức lớn mà các nhà phát hành game hợp pháp phải đương đầu. Có thể kể ra ngay hàng loạt những cái tên đã từng phải trải qua vấn đề này như MU Online, Lineage cho đến Võ Lâm Truyền Kỳ, Thiên Long Bát Bộ, Tru Tiên...
Tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý trò chơi trực tuyến” diễn ra hồi cuối năm 2013, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT-TT thì Việt Nam thì khẳng định có 117 game online được cấp phép, nhưng đã có tới hơn 1/3 trong đó (44 trò chơi) ngừng hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc, cho tới tháng 4-2014, số game chính thức được cấp phép đang hoạt động còn ít hơn con số 73. Ngay ở con số 73 đó thì chính ông Cục trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, các game online đã được cấp phép không hấp dẫn nhiều người tham gia. Trong khi đó, các game lậu đều có hình ảnh đánh nhau, đậm chất bạo lực, hình ảnh các nhân vật được tạo khêu gợi, hấp dẫn… thu hút mạnh các game thủ vừa ở sức kịch tính, vừa ở khía cạnh giải trí.
Trong khi đó, đại diện các nhà phát hành game, thừa nhận suốt từ giai đoạn cuối năm 2010 trở lại đây, game online đã bị ngừng cấp phép tại Việt Nam. Tuy nhiên, thống kê sơ bộ hiện trên thị trường Việt có hơn 300 game đang hoạt động. Từ đó cho thấy, hơn 75% là game lậu, hoạt động không phép.
Game thủ chịu thiệt
Theo tìm hiểu của PV, các game lậu đến từ các nhà phát hành quốc tế xâm nhập vào Việt Nam hầu hết đều là các phiên bản được Việt hóa, đặt máy chủ ở nước ngoài và thu tiền người chơi thông qua thẻ cào điện thoại của các nhà mạng hoặc thẻ quốc tế visa, master... Tuy nhiên điều đáng nói, không phải hầu hết người chơi server lậu này đều biết đến rủi ro.
Minh Nghĩa, một game thủ đã từng tham gia rất nhiều server lậu của game Con đường tơ lụa phân tích: “Cái lợi của server lậu là người chơi có thể thoải mái đập đồ, nâng cấp, đánh nhau, chinh chiến và khám phá hầu như tất cả tính năng trong game chỉ với số tiền bỏ ra rất nhỏ. Có những Webgames lậu mà mới vào, người chơi được cung cấp tới hàng triệu Bitcoins (một loại tiền ảo) và rất là khó khăn, cực khổ khi không biết phải làm thế nào cho hết số tiền ấy. Tuy nhiên, cái hại mang lại vô cùng lớn. Chất lượng server không đảm bảo, chưa tính đến việc các bạn chơi say mê, đem anh hùng nữ hiệp vào giấc mơ và sáng thức dậy thì tất cả đều bật chế độ "tàng hình". Không chỉ tiền bạc, cái mà các bạn mất là thời gian, là sự đam mê, và mất cả sự quyết đoán của mình”.
Là “nạn nhân” của server lậu Tru Tiên 3, bạn Nam Thanh, sinh viên năm cuối Đại học Công nghệ TPHCM, cho biết mình mình đã nạp vào tầm 2 triệu đồng, tương đương với 40 triệu đồng nếu ở server chính thức. Khoản tiền này có thể chẳng là gì với một số người nhưng lại là con số không nhỏ với những sinh viên. Khi server lậu đóng cửa, số tiền trên game cũng “bốc hơi” theo. Cũng theo Nam Thanh, khi ra mắt, các server lậu quảng cáo rầm rồ, nhưng khi có một vấn đề gì thì hầu như không nhận được sự trợ giúp từ bộ phận kỹ thuật của game. Với cách làm đó, chỉ sai 3 tháng hoạt động, server này đã đem về cho nhóm phát hành trên 100 triệu đồng doanh thu.
Cuối cùng thì người chịu thiệt vẫn cứ là những game thủ. Dù có đến với server lậu bởi lý do gì, thì có lẽ game thủ đều phải chấp nhận sự thật rằng đến một ngày mọi công sức lẫn tiền bạc đã đổ vào đều biến mất không dấu vết.
Gia Quảng