Ngăn chặn dịch bệnh mùa tựu trường

Bệnh viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng… tại TPHCM tiếp tục diễn biến phức tạp. Thời điểm học sinh tựu trường là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm này lây lan và dễ bùng phát thành dịch.
Các cô giáo Trường Mầm non Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TPHCM) tổng vệ sinh trường lớp phòng chống bệnh truyền nhiễm trước khi đón trẻ tựu trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các cô giáo Trường Mầm non Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TPHCM) tổng vệ sinh trường lớp phòng chống bệnh truyền nhiễm trước khi đón trẻ tựu trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ động phòng chống

Những ngày qua, tại các trường học trên địa bàn TPHCM đang rốt ráo triển khai công tác tổng vệ sinh, phun khử khuẩn trường, lớp học. Cô Trần Bé Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) cho biết, trước khi học sinh khối lớp 1 tựu trường (ngày 21-8), nhà trường đã cho phun khử khuẩn toàn bộ trang thiết bị, đồ dùng học tập; khu vực bồn cây, sân chơi được tỉa bớt cành lá, không để nước tù đọng nhằm triệt xóa nơi sinh sản của muỗi vằn; trang bị nước sát khuẩn, xà phòng rửa tay tại các lớp, khu vệ sinh. Trường cũng đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cấp dưỡng, nhân viên phục vụ bán trú, giáo viên các kỹ năng phòng chống bệnh truyền nhiễm từ trong hè.

Bậc mầm non cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố, quận huyện về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó tập trung phát quang cây cỏ, làm vệ sinh trường lớp sạch sẽ. Cô Phan Ngọc Hân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Hưng (huyện Bình Chánh) cho biết, trường mới được thành lập và đưa vào hoạt động trong năm học 2023-2024, với quy mô 300 học sinh, trong đó đội ngũ cán bộ, giáo viên, bảo mẫu đều là người mới nên việc nâng cao kỹ năng phòng chống dịch bệnh trong nhà trường được đặc biệt chú trọng.

Sau mỗi buổi học, các phòng học sẽ được phun xịt thuốc trừ muỗi, đồ chơi được ngâm rửa xà phòng kỹ nhằm phòng tránh sốt xuất huyết và tay chân miệng cho các bé. “Phụ huynh cũng sẽ đồng hành với trường giải thích cặn kẽ cho các con hiểu về các nguy cơ lây lan và tác hại của bệnh truyền nhiễm để chủ động phòng tránh”, cô Ngọc Hân cho hay.

Tương tự, ở các trường của 2 bậc học THCS và THPT, từ công tác vệ sinh khử khuẩn trường, lớp đến tập huấn phòng chống dịch bệnh cho cán bộ, giáo viên, nhân viên đã được thực hiện chu đáo, cẩn trọng nhằm phòng chống dịch bệnh lây lan trong trường học.

Bệnh viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng… tại TPHCM tiếp tục diễn biến phức tạp. Thời điểm học sinh tựu trường là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm này lây lan và dễ bùng phát thành dịch.

Giáo viên Trường Mầm non Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TPHCM) tổng vệ sinh trường lớp chuẩn bị đón trẻ tựu trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Giáo viên Trường Mầm non Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TPHCM) tổng vệ sinh trường lớp chuẩn bị đón trẻ tựu trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tiêm vaccine là giải pháp an toàn nhất cho trẻ

Theo Sở Y tế TPHCM, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận từ đầu năm đến nay, thành phố có gần 11.000 ca mắc sốt xuất huyết. Trong 224 ca đang điều trị ở tuyến bệnh viện, có 5 ca thở máy xâm lấn, đều ở các tỉnh chuyển lên và đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Về ca mắc tay chân miệng ghi nhận trên 20.100 ca, trong đó 330 ca (329 ca dưới 6 tuổi) đang điều trị tại bệnh viện, không có ca tử vong. Đáng lưu ý, từ đầu năm đến nay, có sự gia tăng tỷ lệ trẻ mắc tay chân miệng dương tính với chủng Enterovirus 71, nhiều diễn biến nặng so với các năm trước.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu lưu ý, các trường hợp mắc tay chân miệng do chủng Coxsackie A16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu nhiễm chủng Enterovirus 71 thì bệnh sẽ nặng hơn, xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM khẳng định, TPHCM đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục thành phố, các địa phương, chỉ đạo trường học triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhằm hạn chế số ca mắc, lây nhiễm chéo trong trường học. Bên cạnh đó, chỉ đạo các trường tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân, phụ huynh để hạn chế số ca mắc, không để trường học trở thành các ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Các chuyên gia dịch tễ cũng khuyến cáo, ở độ tuổi học đường, các em học sinh có nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm, có thể mang mầm bệnh từ trường về gia đình nhiều nhất và ngược lại. PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Dược TPHCM, lưu ý, phụ huynh cần kết hợp nhiều biện pháp bảo vệ và phòng ngừa nhiễm bệnh từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Giải pháp phòng chống bệnh cho trẻ tốt nhất là đưa trẻ đi tiêm chủng.

PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên cũng lưu ý, đối với trường học, công tác giữ gìn vệ sinh trường, lớp học và vệ sinh cá nhân là điều kiện rất quan trọng để giúp phòng ngừa dịch bệnh. Hàng tuần, trường học phải được phun khử khuẩn các điểm có nguy cơ bùng phát muỗi, dọn dẹp những khu vực nước ứ đọng. Khu vực tổ chức bán trú cho trẻ phải tăng cường nhân viên để lau dọn, rửa sạch, phơi khô chén, đũa và thường xuyên lau dọn các bề mặt bàn ghế bằng xà phòng, sát khuẩn. Phải bố trí chỗ ngồi của trẻ hợp lý, đảm bảo khoảng cách phù hợp giữa cô với trò, giữa trò với trò. Cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng như khuyến khích trẻ uống đủ nước và giữ ấm cơ thể, kết hợp với bổ sung dưỡng chất cho hệ miễn dịch của trẻ.

Theo BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, học sinh toàn thành phố sắp tựu trường, đây là thời điểm được xác định là đỉnh dịch lần thứ 2 của bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết… Nhà trường, phụ huynh cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong cộng đồng. Thành phố duy trì thường xuyên các điểm tiêm chủng tại các trạm y tế, trung tâm y tế và một số cơ sở khám chữa bệnh để phụ huynh đưa con đến tiêm chủng những mũi tiêm còn thiếu, mũi tiêm nhắc lại để đảm bảo an toàn cho trẻ khi bước vào năm học mới.

Tin cùng chuyên mục