Ngăn chặn ngay từ đầu huy động vốn đa cấp

Việc ngăn chặn ngay từ đầu là hoàn toàn có thể, điều này đòi hỏi chính quyền địa phương và các ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt, đừng để đến khi người dân mất tiền oan uổng, an ninh trật tự xã hội bị ảnh hưởng mới ra tay thì đã quá muộn màng!

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội vừa tuyên phạt 2 bị cáo án tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố Kim Bumjae (SN 1968, quốc tịch Hàn Quốc), Giám đốc Công ty TNHH Raon Việt Nam, Công ty TNHH Khanh Asset; Nguyễn Thị Hương (SN 1993, quê Thanh Hóa, trợ lý cho Kim Bumjae) và 6 bị can khác cũng về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đây là 2 trong số hàng chục vụ án liên quan đến hình thức huy động vốn đa cấp đang hoạt động rầm rộ ở nhiều nơi, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục ngàn người dân.

Dù hình thức khác nhau nhưng thủ đoạn của các đối tượng trên khá giống nhau: Lợi dụng sự cả tin của người dân, các công ty này vẽ ra viễn cảnh làm giàu bằng cách tổ chức hội thảo giới thiệu quy mô về cách thức kinh doanh mới, lôi kéo người tham gia nộp tiền vào hệ thống trên các sàn điện tử để hưởng lãi suất cao.

Thực chất, các công ty này không hoạt động kinh doanh, chỉ lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước, từ đó chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Khi huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng trả lãi cho người tham gia, đồng thời đánh sập hệ thống và bỏ trốn.

Theo Bộ Công thương, hiện cả nước chỉ còn khoảng 20 doanh nghiệp bán hàng đa cấp hợp pháp. Thế nhưng, hoạt động đa cấp không phép và hiện tượng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái phép online lại có xu hướng gia tăng.

Vừa qua, Bộ Công an đã ra cảnh báo về việc xuất hiện một số phần mềm (app) có dấu hiệu huy động vốn trái phép và trả thưởng theo mô hình đa cấp thông qua internet. Điều này cho thấy, các chiêu trò đa cấp mới lại đang âm thầm lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân với nhiều biến tướng nguy hại, hệ lụy khó lường.

Khác với các mô hình kinh doanh đa cấp truyền thống trước đây, mô hình hiện tại là khai thác nền tảng thương mại điện tử, công nghệ 4.0 để trực tiếp huy động vốn, trả thưởng cao nhằm đánh vào lòng tham của người tham gia. Được giới thiệu là “kinh doanh mạng”, “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh thời đại 4.0”, “doanh nhân kết nối toàn cầu”, “sân chơi của những bạn trẻ khởi nghiệp”..., các mô hình, dự án này được lan truyền trên mạng xã hội, thu hút đông đảo người tham gia.

Từ cán bộ hưu trí, thầy cô giáo đến những bạn trẻ có kỹ năng, có kiến thức và cả những người không biết gì về đầu tư tiền tệ cũng nhắm mắt lao vào, mời gọi người khác để hưởng hoa hồng. Trong khi đó, đầu tư vào các mô hình mới này quá rủi ro vì khoản tiền đầu tư của người tham gia không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào, mà chỉ thể hiện trên tài khoản ảo ở các website, trong khi hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài, chủ dự án không ở Việt Nam.

Khi “mạng sập” thì mất tiền, mất của, mất cả quan hệ tình thân. Điều đáng lo ngại là mặc dù các cơ quan chức năng, cơ quan thông tấn báo chí liên tục phanh phui, cảnh báo các chiêu thức lừa đảo này nhưng số lượng người tham gia vẫn không ngừng gia tăng. Có những mô hình huy động đến hàng chục ngàn người. Hậu quả là tiền đầu tư của người dân bị chiếm đoạt, tình hình trật tự an ninh xã hội bị ảnh hưởng rất lớn.

Vấn đề đặt ra là vì sao các cơ quan chức năng không ngăn chặn ngay từ đầu hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng mà đợi đến khi có hậu quả xảy ra mới xử lý? Các công ty này khi tiến hành hoạt động đều tổ chức hội thảo giới thiệu rất quy mô, thậm chí thuê cả hội trường thôn, xã để giới thiệu và hoạt động kéo dài từ năm này qua năm khác. Về mặt pháp lý, có đủ cơ sở để xử lý hành chính hoặc hình sự các hoạt động này.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh đa cấp chưa được cấp phép hoặc kinh doanh theo hình thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100-200 triệu đồng, hoặc có thể bị xử lý hình sự mà mức phạt lên tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (quy định tại Điều 217a Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017).

Như vậy, việc ngăn chặn ngay từ đầu là hoàn toàn có thể, điều này đòi hỏi chính quyền địa phương và các ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt, đừng để đến khi người dân mất tiền oan uổng, an ninh trật tự xã hội bị ảnh hưởng mới ra tay thì đã quá muộn màng!

Tin cùng chuyên mục