Cộng đồng xã hội không khỏi kinh hãi trước vụ thảm án trong một gia đình xảy ra ở xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) vào cuối tuần qua khi đối tượng Nguyễn Văn Đông (53 tuổi, ở xã Hồng Hà) chỉ vì mâu thuẫn, tranh chấp 0,5m đất đã vác dao truy sát em trai ruột của mình cùng với 4 người thân, trong đó có cháu bé hơn 1 tuổi, khiến 4 người thiệt mạng.
Chưa đầy một ngày sau, tại xã Thượng Ninh (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cũng đã xảy ra một vụ trọng án đau lòng: đối tượng Quách Văn Thạo (29 tuổi) sau khi uống rượu đã vác dao sang nhà em trai mình tên Quách Văn Thao gây sự nhưng Thao kịp chạy thoát thân. Lúc ấy, bà Th. là mẹ của Thạo và Thao đang ngồi xe lăn la mắng Thạo, thì Thạo chạy đến chém vào cổ bà Th. khiến bà tử vong tại chỗ.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an, 5 năm qua, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.200 vụ giết người (chiếm khoảng 2% số vụ phạm pháp hình sự) và hơn 8.000 vụ cố ý gây thương tích. Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhìn nhận tình hình các loại tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm giết người. Nhận định này càng thấy rõ qua con số thống kê, trong vòng 6 tháng đầu năm 2019, cả nước đã xảy ra hơn 447 vụ giết người. Trong đó có không ít vụ án mạng xảy ra xuất phát từ những nguyên nhân “lãng xẹt” như: va chạm giao thông, nhìn đểu, mời rượu không uống... Càng đau lòng hơn khi nhiều vụ án giết người, hành hung, gây thương tích mà nạn nhân và hung thủ gây án có mối quan hệ là bạn bè thân thiết, anh em ruột thịt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, nhưng xét cho cùng vẫn là từ việc coi trọng lợi ích cá nhân, sẵn sàng giành lấy lợi ích cho mình bằng mọi giá, vi phạm pháp luật, các chuẩn mực nhân cách, đạo đức. Bên cạnh đó, việc giáo dục, trang bị kiến thức xã hội, kỹ năng sống, ứng xử giải quyết các vấn đề mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày của nhiều người, nhất là với giới trẻ còn mang nặng hình thức, giáo điều, nên khi gặp mâu thuẫn, không ít người chỉ biết ứng xử bằng bạo lực. Xét trên bình diện xã hội, một nguyên nhân không thể không kể đến đó là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các ban ngành, đoàn thể trong việc kịp thời phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn nhỏ từ khu dân cư.
Để ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi bạo lực ra khỏi cuộc sống, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tăng cường nhiều hơn nữa các biện pháp chủ động phòng chống. Trong đó, quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo nghiêm minh, đủ sức răn đe và phòng ngừa tội phạm. Trong đó, phải trừng trị thật nghiêm khắc, kịp thời đối với bất kỳ kẻ nào có hành vi xâm hại tới sức khỏe, tính mạng của người khác, từ đó góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của các cá nhân trong đời sống hàng ngày.
Cùng với đó, cần xây dựng các hình thức tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ pháp luật xử lý các tình huống, hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội, mô hình hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt, lực lượng công an ở cơ sở và các cơ quan chức năng ở địa phương chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện các mâu thuẫn nếu có trong cộng đồng người dân ở địa phương, các hành vi bạo lực có thể xảy ra trong các gia đình. Ngoài ra, cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các chuẩn mực xã hội, giá trị đạo đức truyền thống gia đình, xóm làng, đạo lý dân tộc... để định hướng xây dựng, hình thành nhân cách đúng đắn, ứng xử phù hợp đạo đức trong cộng đồng, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi những suy nghĩ, hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội.