Ngân hàng, cây xăng xuất hóa đơn thế nào?

Ngân hàng, cây xăng xuất hóa đơn thế nào?

Ngày 1-4, tất cả các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp siêu nhỏ) phải thực hiện hóa đơn tự tạo theo quy định tại Nghị định 51/NĐ-CP. Tuy nhiên, nhiều tập đoàn quốc tế, doanh nghiệp đặc thù gặp khó khăn khi sử dụng mẫu hóa đơn theo quy định chung. Do vậy, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trả lời các vấn đề này.

Nộp đăng ký sử dụng hóa đơn tồn trễ hạn: Không bị phạt

-  Trường hợp doanh nghiệp đăng ký bản kê tiếp tục sử dụng hóa đơn nhưng nộp trễ hạn (sau ngày 20-1-2011) có bị phạt? Nếu doanh nghiệp không đăng ký nhưng vẫn tiếp tục sử dụng thì xử lý như thế nào?

– Trường hợp doanh nghiệp đăng ký tiếp tục sử dụng hóa đơn đến hết 31-3 nhưng lại nộp trễ hạn quy định thì cơ quan thuế không phạt chậm nộp. Doanh nghiệp phải đăng ký về hóa đơn tồn để cơ quan thuế nhập thông tin theo đúng quy định.

Bán xăng dưới 200.000đ/lần không cần lập hóa đơn. Ảnh: Cao Thăng

Bán xăng dưới 200.000đ/lần không cần lập hóa đơn. Ảnh: Cao Thăng

- Theo quy định, hóa đơn tự in trước đây đáp ứng các tiêu chí theo quy định mới thì được thông báo phát hành để tiếp tục sử dụng, nhưng hiện doanh nghiệp đang gặp phải vướng mắc không có hóa đơn mẫu để niêm yết tại các cơ sở bán hàng thì xử lý thế nào?

– Theo quy định, hóa đơn mẫu là bản in thể hiện đúng, đủ các tiêu thức trên liên của hóa đơn giao cho người mua loại được phát hành, có số hóa đơn là dãy các chữ số 0 và in hoặc đóng dẫu “mẫu” trên hóa đơn.

Thông báo phát hành gởi cơ quan thuế trực tiếp quản lý bao gồm cả hóa đơn mẫu và hóa đơn mẫu phải được niêm yết rõ ràng ngay tại các cơ sở sử dụng hóa đơn trong suốt thời gian sử dụng hóa đơn.

Do vậy, trong trường hợp hóa đơn đã in tồn chưa sử dụng hết, giờ thông báo phát hành nhưng không có hóa đơn mẫu để niêm yết tại các cơ sở sử dụng hóa đơn thì doanh nghiệp được dùng một số hóa đơn có số thứ tự, đã có số nhảy in sẵn, gạch bỏ số thứ tự đã in sẵn và đóng chữ “mẫu” để làm hóa đơn mẫu. Các hóa đơn dùng làm hóa đơn mẫu khi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý, doanh nghiệp kê khai vào cột “xóa bỏ”.

Bán hàng dưới 200.000 đồng phải lập bảng kê

-  Mẫu hóa đơn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng có tính đặc thù thì thực hiện như thế nào?

– Khoản 2 Điều 3 Thông tư 153 hướng dẫn: “Phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không, chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế, chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng… hình thức và nội dung được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan”. Do vậy, các chứng từ có nội dung phù hợp thông lệ quốc tế và phải hiển thị nội dung giao dịch, các tiêu chí cần thiết theo quy định của chế độ chứng từ, thông tin về thuế như: số tiền giao dịch, thuế suất, tiền thuế GTGT, tổng số tiền thanh toán… Trên mỗi chứng từ có một tham chiếu giao dịch xác định đảm bảo tính duy nhất trong toàn hệ thống của doanh nghiệp. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng được sử dụng chứng từ giao dịch hiện hành kiêm hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng với tên gọi “chứng từ giao dịch”.

Khi sử dụng chứng từ giao dịch kiêm hóa đơn thu phí dịch vụ thì ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ cần gởi thông báo phát hành kèm hóa đơn mẫu đến cơ quan thuế, đăng ký cấu trúc tạo số hóa đơn và không phải đăng ký trước số lượng hóa đơn phát hành.

Trường hợp mẫu chứng từ giao dịch được sử dụng cho kinh doanh dịch vụ chịu thuế trực tiếp hoặc khấu trừ đã được cơ quan thuế chấp nhận trước ngày 1-1-2011 thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng được tiếp tục sử dụng chứng từ này để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình.

- Theo quy định, bán hàng hóa dịch vụ có giá trị thanh toán trên 200.000 đồng buộc bên bán phải xuất hóa đơn, nhưng thực tế các công ty chứng khoán, ngân hàng, hoặc công ty, đại lý bán lẻ xăng dầu… việc xuất hóa đơn này rất khó, vậy phải xử lý ra sao?

– Khoản 2a Điều 14 Thông tư 153 hướng dẫn: Trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho người mua thường xuyên là tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp dịch vụ ngân hàng, chứng khoán thì ngày lập hóa đơn thực hiện định kỳ theo hợp đồng giữa hai bên, nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh hoạt động mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ.

Khi bán hàng hóa, dịch vụ dưới 200.000 đồng/lần không buộc phải lập hóa đơn nhưng người bán phải lập bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Bảng kê phải có tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán, tên hàng hóa, dịch vụ và giá trị bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập bảng kê. Trường hợp người bán nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì bảng kê bán lẻ phải có tiêu thức “thuế suất GTGT” và “tiền thuế GTGT”. Hàng hóa, dịch vụ bán ra phải kê theo thứ tự bán hàng trong ngày theo mẫu số 5.7 Thông tư 153.

Trường hợp ngân hàng, tổ chức tín dụng có hệ thống hoạch toán, quản lý dữ liệu tập trung, cung cấp thông tin chi tiết đến từng giao dịch thì khi thu phí dịch vụ (như dịch vụ ATM, dịch vụ SMS…) có trị giá dưới 200.000 đồng thì ngân hàng, tổ chức tín dụng được lưu nội dung thông tin các giao dịch trên hệ thống, không phải in bản kê bán lẻ hàng ngày đối với các dịch vụ trên. Ngân hàng, tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác nội dung thông tin của các giao dịch và cung cấp bảng kê, chứng từ hoạch toán thuế khi cơ quan chức năng yêu cầu.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục