Thực tế, TPHCM đã và đang trong lộ trình thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa hoàn thiện hồ sơ tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong năm 2025, có 10 DNNN tiến hành cổ phần hóa, đúng vào thời điểm Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành. Đây là một quá trình bao gồm thoái vốn, cải cách quản trị và thúc đẩy cạnh tranh với khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, chắc chắn quá trình này - từ khâu lập kế hoạch chi tiết đến triển khai thực tế - sẽ gây ra không ít tranh cãi do ảnh hưởng đến việc làm, vai trò của Nhà nước, cũng như đòi hỏi sự minh bạch và đồng thuận cao.
Đối với kế hoạch cổ phần hóa 10 DNNN trong năm 2025, tỷ lệ sở hữu nhà nước sau cổ phần hóa dao động từ dưới 50% đến trên 65%. Điều này tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia, phù hợp với mục tiêu của Nghị quyết 68. Ví dụ, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn sẽ giữ tỷ lệ sở hữu của nhà nước từ 65% trở lên, trong khi Tổng Công ty Công nghiệp in bao bì Liksin thì có thể dưới 50%. Về cải cách quản trị và tổ chức thì quá trình sắp xếp lại DNNN cần tập trung vào các ngành chiến lược như công nghiệp hỗ trợ và chuyển đổi số. Đồng thời, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chủ sở hữu, đảm bảo minh bạch và chuyên nghiệp, hỗ trợ quá trình tái cấu trúc hiệu quả hơn.
Trong thúc đẩy cạnh tranh và hợp tác, TPHCM nên tạo môi trường cạnh tranh công bằng, khuyến khích DNNN hợp tác doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế xanh. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào DNNN và mở rộng cơ hội cho khu vực tư nhân. Về hỗ trợ tài chính và pháp lý, thành phố chủ động cung cấp hỗ trợ tài chính, đào tạo, và đảm bảo tuân thủ pháp luật trong quá trình tái cấu trúc, nhằm giảm rủi ro và tăng hiệu quả. Minh bạch trong cổ phần hóa là yếu tố then chốt để tránh gây tranh cãi.
Một trong những gợi ý đáng chú ý được Chủ tịch UBND TPHCM nêu ra là cần tập trung nghiên cứu các mô hình doanh nghiệp nội bộ, phân nhóm và gộp nhóm các doanh nghiệp có tính tương đồng. Các tập đoàn nên có công ty tài chính, ngân hàng để vận hành hiệu quả. Việc tổ chức cần vừa phân lập theo từng ngành nghề, lĩnh vực, vừa liên kết để hình thành một “khối thịnh vượng chung” - nhằm tạo ra sức mạnh không chỉ về nội lực mà còn tận dụng được các lợi thế về cơ chế (với biên độ pháp lý rộng) để giải phóng nguồn lực.
Đặt trong bối cảnh thực thi Nghị quyết 68 và việc mở rộng địa giới hành chính của TPHCM sau khi sáp nhập các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, quá trình cổ phần hóa khi hoàn tất sẽ tạo tiền đề hình thành các tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động trong những lĩnh vực chiến lược. Điều này nhằm giảm thiểu sự cạnh tranh không cần thiết với khu vực kinh tế tư nhân, từ đó thúc đẩy một dòng chảy kinh tế thị trường mạnh mẽ và công bằng hơn.