Tranh luận về trần nợ phải trả khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 9, sáng 20-5, Quốc hội đã thảo luận tại phiên họp toàn thể về dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Doanh nghiệp (DN). 

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận định, điều kiện để DN được phát hành trái phiếu riêng lẻ là vấn đề có nhiều ý kiến tranh luận. Ảnh: VIẾT CHUNG
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận định, điều kiện để DN được phát hành trái phiếu riêng lẻ là vấn đề có nhiều ý kiến tranh luận. Ảnh: VIẾT CHUNG

Mở rộng đối tượng được thành lập, quản lý DN

Về sửa đổi, bổ sung về đối tượng được thành lập, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại DN, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đề nghị mở rộng phạm vi, cho phép cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng được thành lập DN để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

NHỊ HÀ 20.jpg
ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội). Ảnh: VIẾT CHUNG

Đồng quan điểm, ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) đánh giá cao việc dự thảo sửa đổi đã mở rộng quyền của viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc góp vốn, quản lý, điều hành DN nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nhưng lưu ý rằng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (cũng được trình trong kỳ họp này) lại quy định rộng hơn, bao gồm viên chức tại tất cả các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tạo ra sự thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật.

“Cũng cần lưu ý rằng, không phải mọi cơ sở giáo dục đại học công lập đều là tổ chức khoa học và công nghệ và ngược lại”, ĐB Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh và kiến nghị dự thảo luật này mở rộng đối tượng phù hợp với dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Đồng tình mở rộng đối tượng được thành lập, quản lý, điều hành DN, song ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị bổ sung quy định chặt chẽ hơn, tránh tình trạng viên chức tư lợi cho DN mình.

Quy định về khai báo chủ sở hữu hưởng lợi chưa khả thi

Về quy định khai báo, lưu trữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị có sự phân định giữa DN có quy mô vốn lớn với DN nhỏ, không tạo sức ép không cần thiết cho DN nhỏ. Quy định yêu cầu DN phải lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi trong 5 năm sau khi giải thể, phá sản được ĐB coi là không khả thi. Theo ông, trách nhiệm này nên giao cho cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký DN.

PHẠM VĂN HOÀ.jpg
ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp). Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi là chưa rõ ràng, mặc dù Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 cũng có khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi và cũng giao Chính phủ quy định chi tiết. Chính phủ cũng đã có Nghị định 19/2023/NĐ-CP về vấn đề này, áp dụng cho các giao dịch của phía tổ chức tín dụng. ĐB cho hay, khi tham vấn các tổ chức tín dụng, ông được biết là các tổ chức tín dụng vẫn dựa trên cơ sở tự khai báo của khách hàng, chủ tài khoản chứ không có biện pháp nào để xác minh.

“Trường hợp cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cho ngân hàng mà đã khó tuân thủ như vậy, nếu giờ chúng ta quy định về việc này khi DN cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước sẽ còn khó khăn hơn”, ĐB Hà Sỹ Đồng băn khoăn.

Ông đề nghị, trước mắt xác định những trường hợp đã rõ ràng (như quan hệ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn trở lên) nhất định phải khai báo. Nếu không khai báo thì sẽ bị xử phạt. Các trường hợp mà tiêu chí là định tính (như “cá nhân có quyền chi phối”) thì cũng có quy định yêu cầu khai báo, nhưng trước mắt không xử phạt khi DN khai báo không đầy đủ. Sau này, khi cơ quan nhà nước có quy định hoàn thiện hơn về khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi thì mới đưa ra quy định xử phạt khi khai báo chưa đầy đủ.

Phát hành trái phiếu riêng lẻ: nên giao Chính phủ quy định cụ thể

Về điều kiện để DN được phát hành trái phiếu riêng lẻ, dự thảo bổ sung quy định “dư nợ không quá 5 lần vốn chủ sở hữu”, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nhận định, đây là vấn đề đã gây tranh cãi rất nhiều khi sửa đổi Luật Chứng khoán trong Luật sửa 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính, cũng như trong quá trình soạn thảo Nghị định về phát hành trái phiếu riêng lẻ.

“Trong Luật sửa 9 luật thuộc lĩnh vực tài chính chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết chứ không quy định cứng. Theo tôi thì đây là phương án hợp lý, vì vấn đề hệ số nợ này là bao nhiêu phụ thuộc nhiều vào các quy định pháp lý khác quản lý việc phát hành trái phiếu riêng lẻ”, ĐB Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm. “Nếu các quy định khác về điều kiện phát hành, điều kiện người mua chặt chẽ, thì có thể không cần giới hạn hệ số nợ hoặc mức giới hạn cao hơn”, ông nói.

Có quan điểm khác, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) góp ý, việc quy định “trần” nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu trong dự thảo luật là cần thiết, nhưng qua phân tích, ĐB cho rằng mức độ 3-4 lần là phù hợp.

Nghiêng về quan điểm của ông Hà Sỹ Đồng, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) phân tích, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của DN đã chịu sự điều chỉnh của pháp luật về chứng khoán khá chặt chẽ. Để phát huy hiệu quả tối đa của kênh huy động vốn này, ĐB cho rằng không cần thiết phải đưa nội dung này vào dự thảo.

Tin cùng chuyên mục