Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động

Vào giữa tháng 2-2016, OCB là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất huy động lên cao nhất, đến 8%/năm ở kỳ hạn 36 tháng. Mức lãi suất này cao hẳn so với lãi suất cùng kỳ hạn trên thị trường chỉ ở mức 7,4% - 7,5%/năm trong thời điểm đó và là mức lãi suất cao nhất trên thị trường kể từ hơn 2 năm qua.

Tiếp đó, nhiều ngân hàng cũng đã vào cuộc và tăng mạnh lãi suất ở những kỳ hạn dài. Đến nay, đã có thêm 2 ngân hàng nữa cũng nâng mức lãi suất tối đa lên trên mức 8%/năm. Cụ thể tuần trước, Eximbank cũng đưa ra chương trình huy động dành riêng cho các khách hàng gửi tiền VND ở các kỳ hạn dài từ 15 - 36 tháng với lãi suất cao nhất 8%/năm; áp dụng với khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 36 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ.

Mới đây, trong biểu lãi suất huy động VND của Ngân hàng SeABank cũng đã tăng lên 8%/năm ở kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất cao nhất này, khách gửi phải thỏa mãn các điều kiện ngân hàng đưa ra. Mức lãi suất “khủng” này không chỉ có ở những ngân hàng niêm yết công khai mà không ít các ngân hàng khác vẫn thỏa thuận lãi suất với khách hàng thân thiết ở kỳ hạn dài với mức lãi suất tương tự. Nếu cộng thêm các chương trình ưu đãi như: rút thăm trúng 100% tiền mặt, cộng lãi suất thưởng khi gửi kèm USD… thì mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay đã lên mức 8,1% - 8,2%/năm.

Mới đây, một số ngân hàng cũng đồng loạt tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn lên thêm từ 0,1% - 0,3%/năm đối với khách hàng gửi tiết kiệm online. Cụ thể, Ngân hàng OCB tăng thêm 0,1% cho các kỳ hạn ngắn và chỉ cộng thêm cho kỳ hạn 13 tháng ở mức 500 tỷ đồng trở lên và tái tục. Như vậy, mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này đã tăng lên 8,1%/năm. VietCapital Bank cũng vừa tăng thêm đến 0,3% đối với các kỳ hạn trên 6 tháng. Như vậy, so với mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này ở mức 7,4% cho kỳ hạn 12 tháng với mức gửi tối thiểu 500 tỷ đồng thì mức cao nhất của ngân hàng này đã lên đến 7,5%/năm…

Hiện cơ chế trần lãi suất huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ áp dụng ở các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Các ngân hàng tự quyết định lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài. Việc các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động lên cao như hiện nay không thể được xem là bình thường, nhất là trên thị trường đã xuất hiện trở lại việc “đi đêm” lãi suất của một số ngân hàng, ngay cả ở kỳ hạn ngắn. Mặc dù nhiều ngân hàng cho biết đây là cách thu hút tiền gửi để chuẩn bị nguồn vốn cho vay trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như vàng đã hấp dẫn hơn, thị trường bất động sản ấm dần lên... Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia trong ngành, động thái tăng lãi suất này có liên quan đến thanh khoản của ngân hàng. Mức thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay chưa thiếu hụt nhưng rõ ràng không còn dư dả như trước vì thời gian qua tín dụng đã tăng trưởng mạnh.

Trong khi đó, một vị lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM nhận định: động thái các ngân hàng tăng lãi suất, trong đó lãi suất dài hạn có mức tăng cách biệt lên đến 2%/năm so với các kỳ hạn ngắn là do các ngân hàng “đón đầu” việc NHNN sắp điều chỉnh giảm giới hạn được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn dự kiến từ 60% xuống còn 40% trong thời gian tới. Thực tế cũng cho thấy, trong năm 2015, mặc dù tình hình huy động vốn VND của các ngân hàng trên địa bàn TPHCM tăng trưởng cao, chất lượng huy động vốn đã cải thiện nhiều so với những năm trước nhưng kỳ hạn tiền gửi dưới 12 tháng vẫn là chủ yếu. Trong khi đó, tín dụng trung và dài hạn trên địa bàn cũng tăng cao, chiếm tỷ trọng cao hơn tín dụng ngắn hạn, chiếm gần 57% trong tổng dư nợ tín dụng.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục