Mức lãi hợp nhất 4.900 tỷ đồng của VPBank năm 2016 hoàn toàn không có dấu ấn của các "ông lớn" bất động sản hay từ những nhà giàu nào, mà là phép cộng tỉ mẩn từ các "thượng đế" li ti nhất vốn ít được các ngân hàng khác để ý.
Khách hàng nhỏ cũng là "thượng đế"
Hai năm trước, bà Sâm (chủ cửa hàng kinh doanh túi xách ở chợ Đồng Xuân - Hà Nội) vẫn phải xoay vốn để nhập hàng bằng cách chơi họ cùng các tiểu thương hoặc vay lãi cao từ "chợ tiền" do một số cá nhân ở chợ tổ chức. Lãi suất vay kiểu này không hề rẻ. Nhưng một năm trở lại đây, bà là khách hàng của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Tiểu thương 40 tuổi này vui vẻ khoe: "Ngày xưa không dám vay ngân hàng đâu vì mình làm ăn nhỏ, chả nghĩ sẽ được ngân hàng cho vay. Giờ vay ở đây lãi còn rẻ hơn ra chợ tiền, lại được cán bộ ngân hàng đến thăm hỏi tận nơi chẳng khác gì ông nọ, bà kia kể cũng sướng".
Tương tự bà Sâm, công ty của anh Cường, nếu xét về quy mô theo cách xếp hạng hiện nay, được xếp vào hàng "siêu nhỏ". Trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) vẫn kêu la không tiếp cận được vốn ngân hàng thì công ty mini của anh lại rất được VPBank quan tâm với lý do theo lời anh là dòng tiền dù chưa phải "khủng" nhưng rất tiềm năng và minh bạch.
Thực tế, doanh thu từ lãi mà hai doanh nghiệp li ti này mang về mỗi năm cho VPBank cũng không nhiều, nếu so với thu nhập từ khoản cho vay các doanh nghiệp lớn chỉ được xem là "tiền lẻ". Thế nhưng, một lãnh đạo của VPBank cho biết: "Những khách hàng siêu nhỏ này mới là các "thượng đế" lớn mà họ đặc biệt quan tâm. Họ là những nhân tố giúp ngân hàng có lợi nhuận khủng, lọt vào top bốn ngân hàng có hiệu quả tốt nhất trong năm qua, chỉ sau Vietinbank, Vietcombank và BIDV".
Lợi nhuận khủng nhờ nhặt bạc lẻ
Báo cáo tài chính mới được công bố của VPBank cho thấy, 2016 cũng là năm lần đầu tiên chứng kiến lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank đạt con số 4.900 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của riêng ngân hàng là 3.400 tỷ đồng. Tăng thu nhập lãi thuần là yếu tố giúp VPBank có được lợi nhuận cao trong năm qua. Theo đó, thu nhập lãi thuần đạt 15.100 tỷ, tăng 4.500 tỷ đồng so với năm trước. Năm 2016, VPBank cũng không phụ thuộc vào các "ông lớn" địa ốc - những khách hàng vốn được xem là dễ dàng mang về lãi khủng nhất cho các nhà băng. Năm 2016, tỷ lệ tín dụng cho bất động sản đã giảm đáng kể từ 19,5% xuống còn 15,8%.
Ngược lại, ngân hàng đang tăng trưởng nhờ các khách hàng nhỏ. Thay vì lao vào doanh nghiệp lớn vốn đã là khách quen của các ngân hàng quốc doanh, VPBank không chọn chiến lược hớt váng mà tập trung vào nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ gia đình, tiểu thương và các cá nhân.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng nhìn nhận, hướng đi tập trung vào bán lẻ thực ra không phải quá mới mẻ mà hầu hết các ngân hàng cổ phần, đặc biệt ngân hàng nhỏ cũng nhìn ra. "Tuy nhiên, từ việc nhận diện được nó và thực hiện lại là khoảng cách rất xa vời. Mấy năm trở lại đây, ngân hàng nào cũng vẽ ra kế hoạch thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu nhưng lại không thực sự hiểu doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó ở đâu, khách hàng cá nhân Việt Nam đang lúng túng cái gì. Do đó, việc VPBank thực sự đầu tư chú trọng và thiết kế riêng những sản phẩm cho các phân khúc từng bị bỏ rơi này rất đáng được ghi nhận", ông nói.
Thực tế, nhờ mô hình kinh doanh chuyên biệt cho phân khúc đầy tiềm năng Micro SME, với các sản phẩm cho vay tín chấp doanh nghiệp có biên độ sinh lời cao và mô hình kênh bán hàng trực tiếp, dư nợ sản phẩm cho vay tín chấp doanh nghiệp tăng gấp 5 lần so với năm trước đó.
Riêng khối tín dụng tiểu thương, nhờ chăm chút tỉ mẩn cho những tiểu thương như bà Sâm ở chợ Đồng Xuân, dư nợ tăng gấp 10 lần và thu nhập tăng gấp 12 lần so với năm 2015.
Không chỉ cặm cụi nhặt tiền lẻ từ các doanh nghiệp nhỏ vốn ít được các nhà băng để ý, VPBank cũng miệt mài tìm kiếm doanh thu từ các khách hàng cá nhân, bất chấp thực tế phục vụ nhóm khách hàng số lượng lớn này chẳng khác gì "làm dâu trăm họ" mà thu nhập mang về có thể chỉ vài triệu đồng mỗi người.
Năm 2016, khối khách hàng cá nhân của VPBank, nhờ sản phẩm cho vay tín chấp mà được Tạp chí Asian Banker trao tặng danh hiệu "tốt nhất Việt Nam”. Sản phẩm thẻ tín dụng và cho vay tín chấp của VPbank đóng góp tới 40% doanh thu của cả khối khách hàng cá nhân.
P.V