(SGGP).- Văn bản giải trình về việc tái cơ cấu 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Theo văn bản này, về chủ trương, Bộ Chính trị và Chính phủ đã thống nhất quan điểm: Trong giai đoạn hiện nay, chưa áp dụng phá sản tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Phá sản để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Việc NHNN mua lại bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại yếu kém là giải pháp cuối cùng, khi không còn giải pháp xử lý khác khả thi hơn. Đối với 3 ngân hàng thương mại vừa được mua lại, NHNN đã chỉ định Vietcombank quản trị, điều hành Ngân hàng Xây dựng và VietinBank quản trị, điều hành Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu. Hiện vốn điều lệ của các ngân hàng được mua lại không còn, do đã bị thua lỗ, nhưng với các giải pháp mạnh mẽ về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản và mở rộng hoạt động kinh doanh mới (nhờ NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng được mua lại) thì vốn điều lệ của ngân hàng sẽ từng bước được khôi phục.
Các quan hệ kinh tế, tài chính giữa VietinBank, Vietcombank với 3 ngân hàng Xây dựng, Dầu khí Toàn Cầu và Đại Dương là quan hệ dân sự bình thường giữa các pháp nhân độc lập, tuân thủ theo quy định của pháp luật. VietinBank, Vietcombank không phải gánh chịu các chi phí, tổn thất và không phải cấp vốn đối với 3 ngân hàng được mua lại, ngoài việc cử người tham gia quản trị, điều hành tại ngân hàng mua lại. Các khoản hỗ trợ vốn của NHNN cho ngân hàng được mua lại là quan hệ tín dụng và ngân hàng mua lại có nghĩa vụ trả nợ cho NHNN theo đúng quy định của pháp luật. Văn bản của Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Biện pháp mua lại ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém với giá 0 đồng được NHNN phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan triển khai theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; không sử dụng tiền của ngân sách nhà nước; không gây thiệt hại kinh tế cho nhà nước. Đặc biệt, việc mua lại và tiếp quản các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém trong thời gian qua đã góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ và củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng và các chủ trương, biện pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng”.
Bên hành lang kỳ họp Quốc hội ngày 2-11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đã trao đổi với phóng viên báo chí về quan điểm của ông trong vấn đề này. Theo ông, việc mua ngân hàng với giá 0 đồng cũng là một giải pháp tình thế, cần thiết và đúng đắn trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay. Nhưng mọi chuyện chỉ thực sự được giải quyết khi các ngân hàng được mua thoát khỏi khủng hoảng, trở lại tình trạng hoạt động lành mạnh. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa khuyến nghị thành lập Ủy ban giám sát quá trình này để đảm bảo sự minh bạch.
ANH PHƯƠNG