Ngân hàng Nhà nước đảm bảo an toàn thị trường ngoại tệ

Trên thị trường đang xuất hiện tin đồn về sự mất cân đối cung, cầu ngoại tệ khiến tỷ giá USD/VND tăng đột ngột. Hôm qua, 9-7, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Dự báo - thống kê tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng vẫn bảo đảm an toàn, có khả năng đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ đến hạn và thỏa mãn hầu hết các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế.

Trên thị trường đang xuất hiện tin đồn về sự mất cân đối cung, cầu ngoại tệ khiến tỷ giá USD/VND tăng đột ngột. Hôm qua, 9-7, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Dự báo - thống kê tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng vẫn bảo đảm an toàn, có khả năng đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ đến hạn và thỏa mãn hầu hết các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, từ cuối tháng 3- 2010 đến cuối tháng 6-2010, thị trường ngoại tệ và tỷ giá USD/VND khá ổn định và diễn biến theo đúng định hướng của NHNN. Các TCTD mua được ngoại tệ từ doanh nghiệp bán; NHNN mua được ngoại tệ từ TCTD; hoạt động thị trường ngoại tệ thông suốt; tín dụng ngoại tệ tăng cao nhờ kỳ vọng ổn định tỷ giá.

Tuy nhiên, gần đây trên thị trường xuất hiện tin đồn đoán về sự mất cân đối cung, cầu ngoại tệ và tỷ giá USD/VND tăng đột ngột. Diễn biến này có thực sự là do sự dịch chuyển bất lợi tổng cung, tổng cầu ngoại tệ của nền kinh tế? Ông Nghĩa cho biết, mặc dù cán cân vãng lai vẫn thâm hụt trong quý 1, 2-2010 do chủ yếu là thâm hụt thương mại, nhưng thặng dư cán cân vốn luôn thừa để bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai (tức là tổng thu ngoại tệ lớn hơn các tổng chi ngoại tệ của nền kinh tế).

Theo đà phục hồi của nền kinh tế, các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế đều liên tục được cải thiện. Trong 6 tháng đầu năm 2010, cán cân thanh toán quốc tế tổng thể được cải thiện qua các tháng (thặng dư trong tháng 4-2010), đồng thời NHNN đã mua được lượng ngoại tệ đáng kể trong quý 2-2010 để tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại tệ nhà nước.
 
Theo NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2010, cán cân vãng lai thâm hụt 3,6 tỷ USD nhưng cán cân vốn thặng dư khoảng 7 tỷ USD. Đối với cán cân vãng lai, quý 1-2010 thâm hụt 1,9 tỷ USD nhưng đến quý 2-2010 chỉ thâm hụt gần 1,7 tỷ USD do thâm hụt thương mại giảm từ 2,2 tỷ USD xuống khoảng 2 tỷ USD. Cũng 6 tháng đầu năm 2010, chuyển tiền một chiều ròng đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng 24% so cùng kỳ năm 2009.

Chuyển tiền kiều hối 6 tháng đầu năm 2010 đạt khá, ước đạt 3,6 - 3,7 tỷ USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm 2009. Bên cạnh đó, luồng vốn FDI (ròng) tiếp tục đổ vào Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng kinh tế tốt đẹp và môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam, trong đó có sự ổn định tỷ giá USD/VND.

Trong nửa đầu năm 2010, vốn FDI đăng ký đạt 8,4 tỷ USD, trong đó vốn đăng ký của các dự án cấp phép mới đạt 7,9 tỷ USD, tăng 43% về vốn. Vốn FDI thực hiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 5,9% so cùng kỳ năm 2009, trong đó phần vốn thực hiện do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 4,33 tỷ USD, tăng 14% so cùng kỳ năm 2009.
 
Như vậy, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, chỉ tính riêng thặng dư của chuyển tiền một chiều và thặng dư vốn FDI đủ bù đắp cho nhập siêu trong quý 1, 2 và cả 2 quý đầu năm 2010, từ đó giảm thiểu áp lực đến cung, cầu ngoại tệ trên thị trường. Mặt khác, luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) tiếp tục duy trì xu hướng thặng dư.

Trong 6 tháng đầu năm 2010, vốn FII ròng đạt mức thặng dư 1,8 tỷ USD. Với diễn biến thu, chi ngoại tệ của nền kinh tế qua các hạng mục chính của cán cân thanh toán quốc tế, ông Nghĩa khẳng định: tổng cung, tổng cầu ngoại tệ của nền kinh tế trong quý 2-2010 và 6 tháng đầu năm 2010 vẫn trong trạng thái ổn định, tích cực. Sau khi đã bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai, thặng dư cán cân vốn của Việt Nam vẫn thừa 1,64 tỷ USD trong quý 2-2010 và 1,8 tỷ USD trong quý 1-2010.

“Vì vậy, tỷ giá USD/VND tăng trong mấy ngày qua không phải xuất phát từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và biến động bất lợi tổng cung, tổng cầu ngoại tệ của nền kinh tế” – ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến thời điểm hiện tại, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng vẫn bảo đảm an toàn, có khả năng đáp ứng đầy đủ các nghĩa vụ đến hạn và thỏa mãn hầu hết các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế, trong khi cung, cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn ổn định. Vì vậy, yếu tố tâm lý và kỳ vọng bất hợp lý của thị trường được tạo lập trên cơ sở các thông tin bất đối xứng hoặc không đáng tin cậy là nguyên nhân chính dẫn đến tăng tỷ giá USD/VND không hợp lý.

Theo ông Nghĩa, trong nền kinh tế có mức độ đô la hóa cao, tác động của yếu tố tâm lý đến ổn định tỷ giá là rất lớn có thể dẫn đến những phản ứng thái quá của thị trường và để lại những hậu quả đáng tiếc cho các chủ thể và nền kinh tế. Do đó, người dân và doanh nghiệp cần hết sức thận trọng với những tin đồn thiếu căn cứ để không phải gánh chịu rủi ro tỷ giá không đáng có.

HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục