Trước những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thời gian qua, đặc biệt là vấn đề lãi suất tăng cao và diễn biến không ổn định, ngày 25-12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp mời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam báo cáo giải trình về thực trạng và những giải pháp xung quanh vấn đề lãi suất hiện nay.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu tiền tệ năm 2010 cơ bản phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo an toàn hệ thống và phương tiện thanh toán trong nền kinh tế.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động VND có chênh lệch mức dương thấp so với lạm phát, kém hấp dẫn so với lãi suất USD và có nhiều nhân tố gây sức ép tăng: lãi suất thực dương hiện nay khoảng 1,47%/năm, thấp hơn các năm gần đây (2009 1,91%/năm; 2006 là 2,23%/năm). Tháng 11 và 12 cung vốn giảm do tốc độ tăng tín dụng lớn hơn huy động vốn, quan hệ giữa lãi suất VND - tốc độ tăng của tỷ giá - lãi suất USD có chênh lệch âm (- 2,38%), khác với các năm gần đây (2005: 3,79%/năm; 2006: 2,87%/năm; 2007 là 4,06%/năm): Thanh khoản trên thị trường nội tệ liên ngân hàng không dồi dào, lãi suất vẫn có sức ép tăng; các ngân hàng thương mại có nhu cầu lớn huy động vốn dài hạn nhưng thị trường tiền tệ chưa ổn định, người gửi tiền ít gửi kỳ hạn dài (trên 3 tháng) làm cho các tổ chức tín dụng phải ấn định lãi suất huy động ở mức cao để tăng khả năng huy động vốn.
Về các giải pháp ổn định thị trường tiền tệ năm 2011, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh các giải pháp kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất ngay từ những tháng đầu năm (6 tháng đầu năm dưới 3,5%) để phấn đấu đạt mục tiêu lạm phát cả năm không quá 7% là điều kiện cơ bản để ổn định và giảm dần lãi suất thị trường. Giải pháp tiếp theo được nhấn mạnh là các tổ chức tín dụng tiếp tục ấn định lãi suất huy động vốn theo mức “trần” 14%/năm và giảm dần theo xu hướng lạm phát, điều hành linh hoạt các mức lãi suất chính sách của Ngân hàng Nhà nước, hoàn thiện cơ chế điều hành lãi suất theo quy định của Luật Ngân hàng nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh giải pháp kiểm soát chặt chẽ thị trường ngoại tệ, giá vàng biến động phù hợp với giá vàng thế giới và không có biến động đột biến, kiểm soát tỷ giá biến động thấp hơn mức lạm phát kỳ vọng; tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng cung ngoại tệ, giảm cầu ngoại tệ như trong năm 2010, đi đôi với chống đầu cơ và găm giữ ngoại tệ. Cùng với đó là các giải pháp đảm bảo cung - cầu vốn thị trường, giám sát chặt chẽ tình hình kinh doanh của từng tổ chức tín dụng…; nâng cao tần suất và chất lượng công tác truyền thông của các cơ quan Chính phủ, nhất là về chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại để tạo tâm lý tốt cho công chúng đồng thuận với các chính sách kinh tế của Nhà nước.
Trao đổi tại cuộc họp, đại biểu Lê Quốc Dung cho rằng lãi suất của Việt Nam cao hơn các nước trong bối cảnh hiện nay là biểu hiện rất không bình thường, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và đề nghị xem xét trách nhiệm sinh ra những ngân hàng yếu kém thuộc về ai và phải xử lý vấn đề này như thế nào. Ông Dung đánh giá việc điều hành vừa qua vừa bị động, vừa đuổi theo thị trường. Đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng điều hành ngân hàng lãi suất phải theo thị trường, phải thực dương, nhưng làm sao điều hành vừa thực dương vừa đảm bảo hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp, đây là câu hỏi cần trả lời.
TTXVN