Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về phiên đấu giá “ế” 24.000 lượng vàng: Bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá

Như Báo SGGP đưa tin, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên do Ngân hàng Nhà nước tổ chức “ế” tới 24.000 lượng. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do NHNN đưa ra mức giá sàn quá cao. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết mục tiêu của NHNN qua đấu thầu vàng miếng là nhằm bình ổn thị trường chứ không phải bình ổn giá.
Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về phiên đấu giá “ế” 24.000 lượng vàng: Bình ổn thị trường chứ không bình ổn giá

Như Báo SGGP đưa tin, phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên do Ngân hàng Nhà nước tổ chức “ế” tới 24.000 lượng. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do NHNN đưa ra mức giá sàn quá cao. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết mục tiêu của NHNN qua đấu thầu vàng miếng là nhằm bình ổn thị trường chứ không phải bình ổn giá.

* Phóng viên:
Nhiều ý kiến băn khoăn tại sao mức giá sàn bán vàng miếng NHNN công bố lại cao hơn so với mặt bằng giá vàng miếng trên thị trường. Vậy mục tiêu của NHNN là gì?

* Ông NGUYỄN QUANG HUY: Mục tiêu NHNN đấu thầu bán vàng miếng là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng và đặc biệt không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường. Việc xác định mức giá sàn bán vàng miếng của NHNN căn cứ vào nhiều yếu tố nhằm đảm bảo nhiều yêu cầu và bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước vì vàng miếng NHNN bán là tài sản của Nhà nước. Mức giá sàn bán vàng miếng NHNN công bố trong phiên đấu thầu đầu tiên là phù hợp và sát với giá vàng giao dịch thực tế trong thời gian gần đây.

Người dân mua vàng tại một tiệm vàng ở TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

Người dân mua vàng tại một tiệm vàng ở TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

* Nhưng đưa ra mức giá cao cũng khiến phiên đấu thầu đầu tiên bị “ế” tới 24.000 lượng?

* Nếu NHNN đưa ra mức giá thấp như một số tổ chức đã kéo xuống trước phiên đấu thầu, tài sản Nhà nước mà ở đây là dự trữ ngoại hối có nguy cơ bị thất thoát. Nếu đấu thầu là ồ ạt bán ra giá thấp để kéo ngay chênh lệch giá thì ai được hưởng lợi? Hiện có nhiều tổ chức tín dụng chờ đợi để mua vàng giá thấp, tất toán trạng thái, bù lại lượng vàng của người dân gửi mà họ đã bán ra trước đây. Làm theo cách như vậy, vô tình NHNN dùng dự trữ ngoại hối để bù lỗ cho một nhóm lợi ích nào đó. NHNN đâu có cần thiết phải bán hết lượng chào bán trong phiên đầu tiên.

* Thực tế cho thấy sau phiên đấu thầu, giá vàng trên thị trường tiếp tục tăng cao hơn giá vàng thế giới. NHNN có ý kiến thế nào về mục tiêu thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới?

* Trên thực tế, mặc dù mức giá sàn bán vàng miếng của NHNN cao hơn giá niêm yết trên thị trường nhưng vẫn có tổ chức đặt thầu và trúng thầu mua vàng miếng. Phải khẳng định rằng không thể qua một phiên để giải quyết bài toán mất cân đối về cung cầu vàng miếng trên thị trường. Nếu giá xuống ngay lập tức là bao cấp về giá, NHNN sẽ không làm vậy. NHNN với tư cách là người mua bán cuối cùng sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường để tổ chức nhiều phiên đấu thầu bán vàng miếng trong thời gian tới nhằm tăng cung vàng miếng cho thị trường theo đúng quy định của pháp luật và bình ổn thị trường vàng theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.

* Vậy lượng cung sắp tới mà NHNN dự kiến sẽ đưa ra thị trường là bao nhiêu?

* Thị trường cần bao nhiêu chúng tôi sẽ cung cấp bấy nhiêu. NHNN hiện nay là cơ quan độc quyền về nhập khẩu vàng, nên khi thị trường cần chúng tôi đủ lực can thiệp nhưng trên nguyên tắc là phải bảo đảm lợi ích quốc gia, không bao cấp hoặc bù lỗ cho đối tượng nào.

* Phiên đấu thầu tiếp theo sẽ được NHNN tổ chức vào khi nào?

* Điều đó cũng tùy thuộc vào nhu cầu thị trường, thậm chí có thể tổ chức mỗi ngày một phiên nếu thị trường cần.

* Xin cảm ơn ông!  

HÀM YÊN thực hiện

Chênh lệch vàng trong nước và thế giới gia tăng 

(SGGP).- Sau khi tăng vọt 400.000 đồng/lượng trong phiên đấu thầu vàng ngày 28-3, giá vàng SJC trong nước ngày 29-3 vẫn ở mức cao. Đầu giờ sáng, giá vàng SJC các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh giảm nhẹ. Cụ thể, vào 9 giờ 30 tại thị trường TPHCM, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng SJC ở mức 43,7 triệu đồng/lượng mua vào và 43,8 triệu đồng/lượng bán ra. Cùng thời điểm tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Quý giao dịch ở mức 43,71 triệu đồng/lượng mua vào và 43,76 triệu đồng/lượng bán ra. Giảm khoảng 50.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm trước. Đến cuối giờ chiều, giá vàng SJC đã phục hồi và đứng ở mức 43,76 triệu đồng/lượng mua vào và 43,85 triệu đồng/lượng bán ra.

Trong khi đó, giá vàng thế giới đã giảm dưới mốc 1.600 USD/ounce. Chốt phiên tại thị trường New York đêm ngày 28-9, giá vàng giao ngay giảm 8,9 USD/ounce còn 1.597,5 USD/ounce. Giá vàng tại thị trường châu Á ngày 29-3 tiếp tục hạ thêm 1,4 USD/ounce xuống còn 1.597,1 USD/ounce. Với mức giá hiện tại, sau khi quy đổi tương đương khoảng 40,41 triệu đồng/lượng. Do đi ngược với xu hướng giá của vàng thế giới, giá vàng SJC hiện cao hơn giá vàng thế giới khoảng 3,39 triệu đồng/lượng. Như vậy, sau phiên đấu thầu vàng, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục nới rộng từ khoảng 3,1 triệu đồng/lượng trong ngày 28-3 đến gần 3,4 triệu đồng/lượng ngày 29-3.

Ghi nhận thị trường vàng tại TPHCM trong 2 ngày 28 và 29-3 cho thấy, giao dịch vàng miếng khá trầm lắng.

HẠNH NHUNG

- Thông tin liên quan:

>> Phiên đầu tiên đấu thầu 26.000 lượng vàng: Chỉ bán được 2.000 lượng

Tin cùng chuyên mục