* Sẽ xem xét quản lý bitcoin dưới góc độ là tài sản ảo
Vừa qua, vụ án “kinh doanh trái phép” liên quan đến “tiền ảo” mà cơ quan điều tra Khánh Hòa khởi tố đã bị Viện KSND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định hủy khởi tố với lý do không phạm tội. Diễn biến này tiếp tục gây ra cuộc tranh luận về tính hợp pháp của đồng tiền ảo bitcoin tại Việt Nam. Ngày 15-10, trao đổi với báo chí, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Ngân hàng Nhà nước, khẳng định: “Bitcoin cũng như các loại tiền ảo tương tự khác không phải là đồng tiền hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam”. Ông Sơn cho biết:
Ngay sau khi bitcoin xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2013, Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu về loại tiền ảo này. Tùy vào mục đích sử dụng mà bitcoin và các loại tiền ảo tương tự có thể là phương tiện thanh toán, hoặc một loại tài sản, loại hàng hóa khi đưa vào giao dịch mua bán. Dưới góc độ là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, tương tự hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, theo pháp luật hiện hành về ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước khẳng định bitcoin cũng như các loại tiền ảo tương tự khác không phải là đồng tiền hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Do vậy, việc sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
- Phóng viên: Vậy người dân khi sở hữu, mua bán và sử dụng bitcoin sẽ tiềm ẩn những rủi ro gì, thưa ông?
>> Ông ĐOÀN THÁI SƠN: Việc sử dụng bitcoin làm phương tiện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư có thể gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng. Các giao dịch bằng bitcoin có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ cho các loại tội phạm như: rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, hay giao dịch và thanh toán tài sản phi pháp. Bên cạnh đó, bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch rất lớn.
Thực tế đầu năm 2014, giá bitcoin đã sụt giảm mạnh sau khi 2 sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới là Mt.Gox và BitStamp tạm ngừng cho khách hàng rút tiền vì sự cố kỹ thuật và nhà chức trách Mỹ bắt giữ 4 nhân vật bị tình nghi đã sử dụng bitcoin cho các giao dịch tội phạm. Việc sàn Mt.Gox bất ngờ đóng cửa ngày 25-2-2014 đã khiến hàng triệu USD của thành viên mạng lưới bitcoin đứng trước nguy cơ mất trắng.
Do giá trị đồng bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng giá, tiềm ẩn gây thiệt hại cho người đầu tư. Hơn nữa, bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào. Do đó, người sở hữu bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi. Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ hoặc thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
- Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về trách nhiệm quản lý bitcoin. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Từ tháng 2-2014, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát các quy định pháp luật có liên quan, thực tiễn sử dụng bitcoin tại Việt Nam và đề xuất các biện pháp quản lý cần thiết. Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác được sử dụng dưới nhiều mục đích khác nhau. Do vậy, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các bộ, ngành liên quan sẽ có trách nhiệm quản lý bitcoin tương ứng.
Hiện tại, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đang triển khai các công việc cần thiết, đặc biệt là rà soát để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý bitcoin dưới các mục đích sử dụng khác nhau. Dưới góc độ là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, giống như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước một lần nữa khẳng định bitcoin và các loại tiền ảo khác không phải là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Do vậy, việc sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo khác như một loại tiền tệ, phương tiện thanh toán không được pháp luật bảo vệ và thừa nhận. Các bộ liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính... đang đồng thời nghiên cứu, xem xét đề xuất biện pháp quản lý, xử lý phù hợp đối với bitcoin và các loại tiền ảo khác dưới góc độ là một hàng hóa, tài sản ảo.
- Xin cảm ơn ông!
HÀM YÊN ghi