Ngày 14-7, UBND TPHCM phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội thảo về những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tại TPHCM. Tại hội thảo, ông Trần Thục, Vụ trưởng vụ Khí tượng và Thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết TPHCM có đặc điểm là một thành phố nhiệt đới ven biển trên lưu vực hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai.
Do đó, ngay cả khi mực nước biển không dâng thì thành phố cũng thường xuyên bị ngập lụt vì sự kết hợp của thủy triều, mưa bão, sóng lớn, lũ lụt… Hiện có khoảng 154 trong tổng số 322 xã phường của thành phố có lịch sử ngập lụt thường xuyên. Dự báo con số phường xã bị ngập tăng lên 177 vào năm 2050, vì quá trình phát triển đô thị ngày càng nhanh chóng, cơ sở hạ tầng xuống cấp, rừng đầu nguồn hệ thống sông bị chặt phá nghiêm trọng…
Không dừng lại đó, nếu mực nước biển dâng khoảng 1m thì TPHCM sẽ có thêm 23% diện tích đất bị ngập. Việc ngập lụt gia tăng sẽ gây tác hại rất lớn đến tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố. Cụ thể đối với ngành nông nghiệp sẽ có 53% diện tích đất canh tác nông nghiệp bị ngập, gây thiệt hại về năng suất cây trồng; giao thông có hơn 1/2 nút giao thông hiện tại và khoảng 80% nút giao thông đang trong kế hoạch xây dựng bị ngập lụt, gây tê liệt và phá hủy đáng kể hoạt động kinh tế của thành phố; cấp nước và vệ sinh mạng lưới cấp nước lộ thiên và sâu 1,5m bị tác động nghiêm trọng, khó khăn trong việc quản lý và điều phối cấp nước sinh hoạt cho người dân; năng lượng bị phá hoại các trạm, hệ thống truyền tải năng lượng, hạ tầng điện, dầu và khí ven biển và ngoài khơi cũng có nguy cơ bị phá hủy nghiêm trọng do sự gia tăng bão, triều cường, ngập lụt và sóng lớn; y tế sẽ khó khăn vì sự bùng phát một số bệnh đường ruột, tả, lỵ… do ô nhiễm nước lụt khi nước thải chảy tràn ra từ nhà vệ sinh và bể phốt vốn rất phổ biến tại thành phố…
Do đó, xây dựng chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu là việc làm hết sức cấp thiết. Tại hội thảo, nhiều giải pháp cũng được các chuyên gia đưa ra như xây dựng đê kè dọc sông, kể cả đê gắn với hệ thống kiểm soát lũ lụt; quản lý và phục hồi hệ sinh thái ngập mặn Cần Giờ; tái tổ chức trồng rừng đầu nguồn cho lưu vực sông Đồng Nai; phục hồi khả năng điều tiết nước của hệ thống kênh rạch; bảo vệ và phục hồi các vùng ngập nước đô thị…
Ông Putu Kamayano, Phó giám đốc ADB tại Việt Nam cho biết, từ nay đến tháng 10-2009, ngân hàng này sẽ đưa chuyên gia từ nước ngoài sang hỗ trợ nghiên cứu về những tác động của biến đổi khí hậu lên các hoạt động kinh tế, xã hội tại TPHCM. Từ đó, các chuyên gia sẽ xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm thích ứng, từng bước giảm thiểu đáng kể những tác động gây ra do biến đổi khí hậu. Được biết, toàn bộ kinh phí thực hiện đề án nghiên cứu trên sẽ do ADB tài trợ
CHÂU ANH – THÚY AN