Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất

Từ đầu tháng 9 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn ngắn đã được các ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh tăng nhẹ từ 0,1% - 0,5%/năm.
Ngân hàng rục rịch tăng lãi suất

Từ đầu tháng 9 đến nay, mặt bằng lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn ngắn đã được các ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh tăng nhẹ từ 0,1% - 0,5%/năm.

Chuyển dịch kênh đầu tư

Chị Nguyễn Hương Thu (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) thường gửi tiết kiệm tiền đồng cho số tiền khoảng 2 tỷ đồng để lấy lãi. Nhưng từ khi lãi suất xuống dưới 6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, vào tháng 6-2015, chị đã rút 500 triệu đồng mua USD để giữ giá. Sau đợt biến động do điều chỉnh tỷ giá vừa qua, chị Thu đã quyết định chuyển sang USD gần hết phần tiết kiệm VND còn lại do lo lắng bị trượt giá.

Tương tự, anh Minh Lợi, nhân viên IT của Công ty Thiết bị điện tử (ngụ tại quận 1) cũng vừa chuyển khoản tiền VND gửi tiết kiệm đáo hạn tại Vietcombank sang USD và một số ít sang vàng. Anh Lợi cho biết, đây là số tiền vợ chồng anh định mua nhà nhưng chưa kiếm được nhà ưng ý. “Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD tăng lên 5%, có nghĩa tiền VND đã mất đi 5%, trong khi lãi suất tiết kiệm 6 tháng tại Vietcombank chỉ ở mức 4,8%/năm, nên tôi quyết định chuyển sang USD để giữ tiền mua nhà khỏi bị trượt giá”, anh Lợi lý giải.

Đầu tháng 9, chị Trâm Anh (ngụ tại quận 7) rút 1 tỷ đồng  gửi tiết kiệm để mua căn hộ 90m2 tại huyện Nhà Bè, nhà có sẵn nội thất nên mỗi tháng chị cho thuê được 5,5 triệu đồng, cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm đang ở mức 6%/năm. “Hơn nữa giá căn hộ tôi mua khá hợp lý nên sau này có thể tăng giá, chứ giữ tiền đồng cứ phập phồng lo mất giá”, chị Trâm Anh cho hay.

Trao đổi với phóng viên, không ít ngân hàng thương mại (NHTM) tại TPHCM thừa nhận, khách hàng đang có xu hướng chuyển tiền tiết kiệm từ VND sang USD, vàng và bất động sản.

Tăng lãi suất giữ khách hàng

Một vị lãnh đạo ngân hàng tầm trung tại TPHCM cho biết, theo nguyên tắc, khi VND bị phá giá thì lãi suất huy động phải tăng để bù vào phần mất giá và đủ hấp dẫn để giữ khách hàng. Hiện các ngân hàng lớn vẫn kiềm giữ được lãi suất do áp lực từ cơ quan quản lý. Thế nhưng, với xu hướng dịch chuyển này, các ngân hàng nhỏ và vừa khó tránh khỏi “vượt rào” lãi suất và hiện nhiều ngân hàng đã ồ ạt đưa ra các chương trình gửi tiết kiệm theo hướng cào trúng thưởng ngay bằng tiền mặt kèm khuyến mãi lớn.

Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động VND để thu hút tiền nhàn rỗi trong dân. Trong ảnh: Khách hàng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng An Bình. Ảnh: HUY ANH

Thực tế từ đầu tháng 9 đến nay, các NHTM nhỏ và vừa đã điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, như ABBank tăng thêm 0,2% ở kỳ hạn dưới 6 tháng, VIB cũng tăng từ 0,2% - 0,3% ở các kỳ hạn từ 3 - 5 tháng, SeABank tăng 0,2% -0,4%/năm cho kỳ hạn từ 3 - 12 tháng, Ngân hàng Bản Việt tăng 0,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng, đồng thời tặng thẻ cào trúng thưởng đồ gia dụng và tiền mặt… Một số ngân hàng cũng tăng thêm 0,1% - 0,2% cho khách hàng khi gửi tiết kiệm theo hình thức online… Chưa kể hiện nhân viên ngân hàng ở các quận ven còn rỉ tai với khách hàng quen: nếu đáo hạn và tiếp tục gửi kỳ hạn 3 - 6 tháng với số tiền trên 500 triệu đồng hoặc gửi mới từ 600 triệu đồng (kỳ hạn trên 6 tháng) sẽ được cộng thêm biên độ lãi suất 0,1% - 0,2%.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 20-8, trong khi tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng khá mạnh ở mức 9,31% so với cuối năm 2014, thì huy động vốn chỉ tăng 7,26%. Các chuyên gia cảnh báo, lãi suất huy động tăng sẽ có lợi cho người gửi tiết kiệm nhưng nếu không thận trọng, lãi suất sẽ nóng dần lên, tạo lập mặt bằng mới và từ đó kéo theo lãi suất đầu ra tăng theo, trong bối cảnh NHNN đang muốn kéo lãi suất cho vay xuống.

Về việc này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết: “Mặc dù thanh khoản VND không còn dồi dào như những tháng trước, vì sau khi nới biên độ tỷ giá, NHNN đã bơm một lượng lớn ngoại tệ ra thị trường nên đã hút một lượng lớn VND về. Tuy nhiên, NHNN cũng có nhiều cách đưa VND ra thị trường thông qua thị trường mở (OMO), qua các hoạt động chiết khấu các giấy tờ có giá, cho vay bù trừ…”. Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng khẳng định, NHNN cũng đã có nhiều kịch bản để hỗ trợ thanh khoản thị trường khi cần thiết.

Đại diện HSBC Việt Nam cũng phân tích, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động và cho vay sẽ khó giảm, vì thông thường trước áp lực tỷ giá, doanh nghiệp và người dân sẽ mua ngoại tệ để thực hiện những khoản thanh toán trong tương lai. Từ đó đẩy áp lực lên thanh khoản thị trường và đưa mặt bằng lãi suất ngắn hạn tăng. Tuy nhiên, lãi suất trung và dài hạn sẽ không ảnh hưởng nhiều vì lạm phát hiện không cao. “Thông thường các ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất tiền gửi nhanh hơn để giữ thị phần khách hàng. Và sau đó để đảm bảo lợi nhuận, các ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay tăng sau đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng không mấy dễ dàng và để giữ chân khách hàng tốt, các ngân hàng lớn sẽ giảm lợi nhuận, thậm chí chấp nhận hòa vốn để không tăng lãi suất cho vay”- vị đại diện HSBC cho hay.

Hiện nay, các ngân hàng nhỏ cũng đang nhìn các ngân hàng lớn để điều chỉnh lãi suất, nhằm đảm bảo quyền lợi và giữ chân khách hàng của mình. Chính vì thế, các chuyên gia cũng cho rằng, xu hướng đẩy tín dụng ra thị trường để vào các doanh nghiệp tốt vẫn chi phối trong thời gian tới, nên xu hướng tăng lãi suất cho vay sẽ không kéo dài và không diễn ra trên diện rộng.

Với mặt bằng lãi suất tiết kiệm VND được các ngân hàng áp dụng mức phổ biến 5% - 6,1%/năm cho các kỳ hạn ngắn (1 - 5 tháng) và 6,1% - 7%/năm cho kỳ hạn 6 - 12 tháng thì gửi tiết kiệm vẫn thực dương vì lạm phát thấp. Thời gian qua, tuy VND giảm giá so với nhưng tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng vẫn không giảm, cho thấy người giữ VNĐ nhận thấy kênh gửi tiết kiệm vẫn an toàn và có lợi.

Ông Nguyễn Hoàng Minh
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM

NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục