Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn

Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM trong 4 tháng đầu năm đạt 965.000 tỷ đồng, tăng 1,27% so với cuối năm 2013 và tăng 8,14% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy, tổng dư nợ cho vay thuộc 5 nhóm lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên chiếm 6,96% tổng dư nợ, với khoảng 135.000 tỷ đồng. Phải chăng tín dụng đã không đến đúng nơi khiến thị trường tái diễn điệp khúc ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn thiếu vốn?
Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn

Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TPHCM trong 4 tháng đầu năm đạt 965.000 tỷ đồng, tăng 1,27% so với cuối năm 2013 và tăng 8,14% so với cùng kỳ năm trước. Thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM cho thấy, tổng dư nợ cho vay thuộc 5 nhóm lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên chiếm 6,96% tổng dư nợ, với khoảng 135.000 tỷ đồng. Phải chăng tín dụng đã không đến đúng nơi khiến thị trường tái diễn điệp khúc ngân hàng thừa tiền nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn thiếu vốn?

Khách làm hồ sơ vay vốn tại Agribank. Ảnh: CAO THĂNG

Khách làm hồ sơ vay vốn tại Agribank. Ảnh: CAO THĂNG

Huy động nhiều, cho vay ít

Liên quan đến vấn đề “thừa tiền, thiếu vốn”, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM thừa nhận, việc huy động vốn trên địa bàn TP trong 4 tháng đầu năm tăng 1,47%, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng 1,27%. Lý giải thắc mắc chỉ khoảng 135.000 tỷ đồng/965.000 tỷ đồng dư nợ dành cho 5 lĩnh vực ưu tiên, phải chăng tín dụng đã không đi đúng hướng?

Ông Lâm cho rằng, mặc dù dư nợ cho vay thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ có 135.071 tỷ đồng nhưng không có nghĩa dòng tín dụng không đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. “Hơn nữa, số liệu trên chỉ thống kê dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VND thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, kể từ khi thực hiện theo chính sách tín dụng của NHNN áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên: xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, DN vừa và nhỏ (DNVVN), công nghiệp phụ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao”- ông Lâm giải thích.

Ông Lâm cũng cho biết, nếu phân tích dư nợ theo 5 nhóm ưu tiên bao gồm cả ngoại tệ; VND kỳ hạn ngắn, trung và dài hạn thì tổng dư nợ đạt gần 531 tỷ đồng, chiếm 55,26% tổng dư nợ tín dụng. “Thực tế vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP trong suốt thời gian qua đều tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có tới 80,2% (bao gồm cả tín dụng ngoại tệ và VND) dành cho sản xuất và kinh doanh; 19,8% còn lại cho vay bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng” - ông Lâm cho hay. 

Mặc dù vậy, các NHTM đều nhìn nhận từ đầu năm đến nay việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng rất khó, đặc biệt dành cho khu vực DNVVN không nhiều. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, hiện tổng dư nợ ACB trên toàn hệ thống đạt 110.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng mảng cá nhân khoảng 45.000 tỷ đồng, DN lớn và mua trái phiếu hơn 20.000 tỷ đồng, các DN còn lại khoảng 42.000 tỷ đồng. Trong 42.000 tỷ đồng này, dư nợ tín dụng được phân bổ theo 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó cho vay DNVVN chiếm khoảng 30.000 tỷ đồng. “Qua đó cho thấy, trong tổng dư nợ tín dụng của ACB có 40% - 50% là khách hàng cá nhân; 20% nằm ở DN lớn, chủ yếu là các DN bất động sản và bất động sản gián tiếp; còn khoảng 30% - 40% thuộc nhóm DNVVN”- ông Toàn cho biết.

Ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Sacombank cũng cho biết, 4 tháng đầu năm 2014, nguồn vốn huy động của Sacombank tăng 5,6% so đầu năm nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 4,5% với khoảng gần 116 tỷ đồng. Trong số này, cho vay mảng DNVVN tăng trên 2,5%, còn lại chủ yếu ở mảng khách hàng cá nhân. Theo ông Khang, thông thường những tháng đầu năm, tín dụng tăng thấp hơn cuối năm vì thời gian này các DN tăng trưởng thời vụ hơn là chiến lược. Mặc dù vậy, ông Khang cũng nhìn nhận rằng việc tăng trưởng tín dụng trong thời gian ngắn hạn vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đẩy tín dụng vào khu vực DNVVN.

Dè dặt vì sợ nợ xấu

Các NHTM tại TPHCM thừa nhận có việc ngân hàng thừa vốn, muốn đẩy tăng trưởng tín dụng tăng nhưng vẫn phải dè dặt. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do “sức khỏe” của nền kinh tế cũng như bản thân của DN đó. Tổng Giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho biết, ACB trên địa bàn TP trong 6 tháng qua (2 tháng cuối năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014) có dư nợ cho vay DNVVN không tăng, mặc dù ngân hàng có chủ trương đẩy mạnh tăng trưởng kiếm lợi nhuận. “Hiện ACB cho vay trung và dài hạn khối này từ 7,5% - 9%/năm, tùy vào từng loại DN, tức trung bình lãi suất cho vay khoảng 6,2%/năm. Mặc dù mức lãi suất này ACB lỗ nhiều vì huy động hiện nay ở mức 7%-8/năm, chưa kể các chi phí liên quan nhưng con số tăng trưởng vẫn là số không”- ông Toàn cho biết.

Lý giải việc DN tiếp cận vốn khó thời gian qua, theo ông Toàn, khối DNVVN vay chủ yếu dựa vào thế chấp tài sản cố định. Tuy nhiên, giá trị tài sản so với trước đây giảm vì quy hoạch treo, giá tài sản giảm, thị trường giảm giá nên dư nợ cho vay của nhóm này cũng giảm theo. Thêm nguyên nhân nữa là trong tình hình khó khăn, các DNVVN kinh doanh sụt giảm, biên lợi nhuận giảm nên các DN rút vốn vay ra mua tài sản cố định, dẫn đến mất cân đối nguồn vốn, gây nguy cơ DN không trả nợ được nên ngân hàng không cho vay vì sợ rủi ro.

Đại diện Agribank TPHCM cũng cho biết tín dụng tại ngân hàng này cũng đang “bí” đầu ra, thậm chí những DN chỉ đáp ứng khoảng 7-8 điểm/10 điểm trong điều kiện cho vay thì ngân hàng vẫn xem xét cho vay ở mức độ nhất định, nhưng trong điều kiện hiện nay cho vay cũng rất khó. “Cái khó nhất của ngân hàng hiện nay là đối với những DN đang trong tình trạng lưng chừng, nếu “bơm” vốn cũng sẽ có DN được hồi sinh nhưng rủi ro rất lớn. Hơn nữa nếu căng theo tiêu chuẩn nợ dưới chuẩn mà cho vay thì ngân hàng sẽ vi phạm quy chế. Đó cũng là lý do ngân hàng thận trọng trong cho vay mặc dù rất muốn tăng trưởng tín dụng”- vị này trần tình.

Theo một lãnh đạo NHTM có quy mô khá lớn, nhóm DN hoạt động tốt, có tiềm lực tài chính thì luôn được các ngân hàng săn đón với lãi suất cho vay thấp hơn huy động nhưng nhóm này lại không có nhu cầu vốn nhiều. Còn nhóm DN kinh doanh thua lỗ, không còn tài sản thế chấp và không có khả năng phát triển thì đa số các ngân hàng đều “đóng cửa”. Vị này phân tích thêm, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, một bộ phận DN, đặc biệt là các DNVVN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều DN ngưng hoạt động, giải thể vẫn còn phát sinh, nợ xấu tăng; thị trường bất động sản cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn và trầm lắng… Tất cả những yếu tố này tác động trực tiếp đến các vấn đề liên quan trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng - DN và nền kinh tế. Tăng trưởng và khơi thông nguồn vốn tín dụng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố kinh tế vĩ mô, sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế và từ chính các DN. “Trong điều kiện hiện nay, muốn tiếp cận được vốn, bản thân các DNVVN cũng phải nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là các báo cáo tài chính phải công khai, minh bạch mới đảm bảo được xem xét, thẩm định cho vay tín chấp, thế chấp dòng tiền hoặc cho vay tài sản không đảm bảo” - vị lãnh đạo ngân hàng này kết luận.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục