(SGGPO).- Sáng ngày 12-4 tại TPHCM, Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) đã tổ chức hội thảo “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP: Cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực tài chính và phát triển kinh doanh của DN Việt Nam” với sự tham gia của 500 đại biểu từ cơ quan bộ- ngành trung ương và địa phương; các DN, tổ chức quốc tế và các chuyên gia kinh tế và chính sách, các hiệp hội ngành hàng…
Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn đa chiều về việc tận dụng nắm bắt cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định TPP.
Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, Hiệp định TPP được đánh giá sẽ tạo triển vọng cho ngành thương mại Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, mở ra cơ hội cho các ngân hàng thương mại Việt Nam đồng hành hỗ trợ vốn, dịch vụ cho các DN xuất khẩu trong tương lai; các luồng vốn đầu tư quốc tế (FDI) vào Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh.
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn do vị thế của Việt Nam sẽ cải thiện nhiều sau khi gia nhập TPP. Theo các cam kết chung trong TPP, Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành ngân hàng - một ngành cần vốn, công nghệ và năng lực quản lý điều hành cao. Việc tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng nội địa, và đây có thể là cơ sở để phát triển ngành ngân hàng Việt Nam trong tương lai. Khi TPP thành công sẽ mở rộng phạm vi tự do hóa ở mức độ rộng nhất. Điều này căn cứ trên xu hướng các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, bên cạnh cơ hội thì hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định.
Bà Vũ Minh Châu, Vụ Hợp tác quốc tế (NHNN Việt Nam) cho biết, trong khuôn khổ TPP và các FTA khác, các tổ chức tín dụng nước ngoài có thể tham gia vào thị trường Việt Nam dưới các hình thức như văn phòng đại diện, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính liên doanh, công ty tài chính 100% vốn nước ngoài, công ty thuê tài chính liên doanh, công ty cho thuê tài chính 100% vốn nước ngoài…
Theo đó, lĩnh vực dịch vụ tài chính, cụ thể là trong lĩnh vực ngân hàng, các điều kiện tiếp cận thị trường sẽ dần được xóa bỏ. Đây có thể được coi như một thách thức của các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Cụ thể, những thách thức trong nước đến từ các hạn chế của hệ thống ngân hàng như vốn thấp, chất lượng tài sản chưa cao, vấn đề nợ xấu vẫn đang còn trong quá trình xử lý và có xu hướng gia tăng nên dẫn đến những khó khăn trong đầu tư, mở rộng quy mô phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trong khi áp lực cạnh tranh từ phía ngân hàng nước ngoài ngày một tăng. Bên cạnh đó, sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong nước còn chưa đa dạng so với cam kết cho phép các tổ chức tín dụng được cung cấp dịch vụ tài chính mới tạo nên sức ép cạnh tranh của các ngân hàng ngày càng lớn. Cùng với đó, rủi ro ngoại sinh từ khu vực thị trường tài chính khu vực và quốc tế nên các ngân hàng trong nước cần phải nâng cao kỹ năng quản trị, dự phòng và xử lý rủi ro.
Từ những thách thức trên, bên cạnh việc nâng cao năng lực cạnh tranh, kỹ năng quản trị của bản thân các ngân hàng, bà Châu cũng đưa ra khuyến nghị cho cơ quan quản lý đó là cần hoàn thiện pháp luật và thể chế ngành ngân hàng nhằm phát triển bền vững hệ thống tài chính, tiền tệ; cần có những chính sách nhằm giúp các ngân hàng trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh so với với các tổ chức tín dụng nước ngoài lớn mạnh đang và sẽ có mặt tại Việt Nam.
Nhung Nguyễn