(SGGPO).- Tiếp nối theo thị trường chứng khoán New York, sáng 1-12, thị trường chứng khoán châu Á mở cửa cũng đã tăng mạnh. Đây là dấu hiệu vui của thị trường tài chính sau khi ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới đồng ý cho vay USD giá rẻ nhằm ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ tín dụng giữa các ngân hàng tại châu Âu, vốn đang điêu đứng vì cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực.
- Cho vay USD giá rẻ
Ngày 30-11, trong một tuyên bố chung đầy bất ngờ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Ngân hàng Trung ương Mỹ - FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản, Thụy Sỹ đã nhất trí giảm chi phí các tín dụng chéo bằng đồng USD hiện hành (tức cho vay USD giá rẻ).
Theo tuyên bố trên, chi phí tín dụng chéo giữa các ngân hàng sẽ giảm 50% kể từ ngày 5-12. Việc áp dụng mức tín dụng chéo mới nhằm đảm bảo các ngân hàng bên ngoài nước Mỹ có thể tiếp cận dễ dàng với đồng USD, điều đang trở nên khó khăn đối với các ngân hàng châu Âu trong bối cảnh lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày càng tăng.
Ngoài ra, các ngân hàng hàng đầu thế giới cũng triển khai nhiều biện pháp mới, trong đó có việc thiết lập một cơ chế tạm thời, cho phép bất kỳ ngân hàng nào trong 6 tổ chức trên dễ dàng tiếp cận được bất kỳ đồng tiền nào nếu cần để hỗ trợ các ngân hàng khu vực trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Các thỏa thuận này sẽ áp dụng tới ngày 1-1-2013.
Những động thái nhằm ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ tín dụng giữa các ngân hàng tại châu Âu, vốn đang điêu đứng vì cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực, đã lập tức làm tăng giá cổ phiếu, trong đó chỉ số Dax của Đức tăng 5%, chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 4,2% và FTSE 100 của Anh tăng 3%. Ngày cuối cùng của tháng 11 cũng được coi là một ngày gặt hái của thị trường chứng khoán Mỹ khi các loại cổ phiếu chủ lực đồng loạt tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 3-2009. Giá vàng thế giới cũng tăng mạnh sau thông tin trên.
Thêm vào đó, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), lần đầu tiên trong gần 3 năm, tuyên bố giảm 50 điểm cơ bản tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng thương mại nhằm tăng khả năng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng của nước này trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu chững lại cũng hỗ trợ mạnh cho tâm lý giới đầu tư (vì mở ra triển vọng có thêm các dòng đầu tư mới).
- Cần, kịp thời nhưng chưa đủ
Quyết định của các ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới đã góp phần xốc lại niềm tin của giới đầu tư bị ám ảnh nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nợ đang hoành hành khu vực Eurozone. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, trong khi các ngân hàng hàng đầu thế giới hành động khẩn cấp thì Eurozone vẫn còn chưa có giải pháp dứt khoát đưa khu vực thoát hiểm. Ngày 29-11, Liên minh châu Âu (EU) buộc phải cầu cứu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ giúp duy trì sự tồn tại của liên minh tiền tệ này sau khi không thể thực hiện mục tiêu đặt ra trước đó là mở rộng qui mô Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỷ EUR lên một ngàn tỷ EUR.
Người đứng đầu Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng EUR Jean-Claude Juncker cho biết, do tình hình đã thay đổi nên EFSF mở rộng sẽ không thể lên tới một ngàn tỷ EUR như đã định mà sẽ ít hơn.
Ngày 30-11, ông Christian Noyer, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp kiêm thành viên Hội đồng Điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nói rằng châu Âu đang đối mặt với khủng hoảng tài chính “thực sự”, chứ không chỉ còn là cuộc khủng hoảng tiền tệ, với sự đổ vỡ trên qui mô lớn tại các thị trường. Tuần trước, các nguồn tin cho biết ECB đang cân nhắc tăng thời hạn cho vay đối với các ngân hàng lên hai hoặc thậm chí là ba năm để ngăn cuộc khủng hoảng trong khu vực eurozone gây căng thẳng trên thị trường vốn toàn cầu, qua đó làm tê liệt nền kinh tế thế giới.
Giới quan sát cho rằng, cùng với sự giúp sức của các ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới, các biện pháp của châu Âu cho tới này vẫn chưa đủ mạnh và châu Âu cần có thời gian để đưa ra các biện pháp cụ thể hơn. Thị trường chờ đợi các nhà lãnh đạo khu vực Eurozone tiến hành các biện pháp quyết liệt tại cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 9-12 để ngăn chặn đồng tiền chung châu Âu (EUR) có thể sụp đổ.
Hạnh Chi