Chủ trương “mở cửa” cho các nhà đầu tư nước ngoài vào để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có từ rất lâu, nhưng đến nay vẫn chưa đạt kết quả nào cụ thể. Mặc dù vậy, không ít các chuyên gia khẳng định hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư ngoại muốn mua ngân hàng Việt Nam.
Ngân hàng An Bình cũng muốn nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài
Mời gọi nhà đầu tư ngoại
Hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam đã qua 5 năm tái cơ cấu và hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng 5 năm tới (giai đoạn 2016-2020) đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo Chính phủ. Quá trình tái cơ cấu ngân hàng bước vào giai đoạn 2 trong bối cảnh nguồn lực trong nước còn nhiều hạn chế, nên việc kêu gọi dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết, nhất là trong bối cảnh ngành ngân hàng hướng đến hội nhập toàn cầu.
Phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng và Hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội Ngân hàng châu Á (ABA), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong nước. Đồng thời khẳng định, trong thời gian tới, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực và quốc tế, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Thống đốc cũng tỏ rõ mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng thương mại Việt Nam đang trong giai đoạn thiếu vốn, đặc biệt là các ngân hàng đang trong lộ trình áp dụng tiêu chuẩn Basel II nên không ít các ngân hàng đã và đang tiến hành kêu gọi vốn. Bởi vì, khi áp dụng Basel II sẽ khiến hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng giảm, từ đó yêu cầu về vốn phải được tăng lên. Vì ngoài đảm bảo rủi ro tín dụng, Basel II còn tính đến yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Áp lực thiếu vốn ngày càng bức thiết nên nhiều ngân hàng phải kêu gọi vốn từ nước ngoài, thông qua động thái chào bán cổ phần. Không chỉ những ngân hàng nhỏ mà cả những ngân hàng lớn cũng vậy.
Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP ngoại thương (Vietcombank) quyết định bán 7,73% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cũng không nằm ngoài mục đích tăng vốn để đáp ứng chuẩn mực Basel II trong thời gian tới. Song nhìn lại từ đầu năm 2016 đến nay, chỉ mới có Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) bán thành công gần 5% cổ phần cho Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC - thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới) trong tháng 8-2016. Còn thương vụ Vietcombank chào bán gần 8% cổ phần cho Quỹ Đầu tư GIC của Singapore, mặc dù đã được Chính phủ thuận chủ trương và nhà đầu tư GIC cũng đã đưa ra mức giá mua hấp dẫn, nhưng đến nay vẫn đang chờ sự chấp thuận của NHNN và Chính phủ về thương vụ này.
Đã đến lúc nới “room”
Mới đây, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2016, các nhà đầu tư nước ngoài lại một lần nữa kiến nghị nới “room” sở hữu trong ngân hàng trong nước. Theo đó, mức sở hữu của nhà đầu tư ngoại trong ngân hàng được đề nghị tăng lên 35% (hiện nay là 30% - PV) đối với ngân hàng cổ phần trong nước, riêng với các ngân hàng thương mại bị mua lại 0 đồng, tỷ lệ này có thể nâng lên 100%. Động thái liên tục kiến nghị về việc nới “room” cho thấy, thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn nằm trong đích ngắm các nhà đầu tư ngoại.
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cũng cho biết, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất muốn mua ngân hàng Việt, ngay cả khi hiện nay việc thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam đã dễ hơn. Vì để có một mạng lưới sâu rộng như ngân hàng trong nước là rất khó. Chính vì thế, việc bỏ ra 3.000 - 5.000 tỷ đồng để mua lại một ngân hàng trong nước là điều các nhà đầu tư ngoại vẫn rất sẵn sàng.
Điều này càng được khẳng định khi tại Diễn đàn phát triển Việt Nam năm 2016 (VDF 2016) mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam đang có kế hoạch mua lại một ngân hàng thương mại yếu kém của Việt Nam (ngân hàng này đã từng bị mua với giá 0 đồng).
Mặc dù NHNN luôn khẳng định chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư ngoại tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng trong nước, song thực tế số thương vụ thành công chưa nhiều, trong đó có nguyên nhân do nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua cổ phần hạn chế. Lâu nay nhà điều hành vẫn chần chừ vì lo ngại khi nhà đầu tư ngoại nắm quyền chi phối tại các ngân hàng có thể tác động đến chính sách hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, đã đến lúc NHNN nên mở thêm room vốn ngoại để kêu gọi các nguồn lực trong việc giải bài toán tái cơ cấu ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo. Bởi lẽ, không chỉ 10 ngân hàng được chỉ định thí điểm thực hiện theo tiêu chuẩn Basel II cần tăng vốn, mà theo thống kê, toàn hệ thống còn trên 10 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 4.000 tỷ đồng và vẫn còn không ít tổ chức tín dụng đang gặp vấn đề trong hoạt động, cần phải hợp tác với các đối tác tương xứng để tái cấu trúc, tránh bị đào thải.
Theo TS Trần Du Lịch, việc xây dựng một bộ khung pháp lý chặt chẽ và linh hoạt để quản lý dòng vốn ngoại ở ngân hàng nhằm thực hiện nới “room” là rất cần thiết để giúp ngân hàng hút được tiền tươi thóc thật, giải quyết những vấn đề tồn tại và nâng tầm quy mô hoạt động của ngân hàng. “Việc nới room mặc dù có rủi ro nhưng NHNN có thể xem xét từng trường hợp cụ thể để các ngân hàng được bổ sung nguồn lực tài chính từ các đối tác chiến lược nước ngoài để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, tăng vốn cải thiện hệ số CAR để tăng cường nội lực trước khi chính thức hội nhập”, TS Trần Du Lịch đề nghị.
Nhung Nguyễn