Ngân hàng vào “mùa” sáp nhập

Ngân hàng vào “mùa” sáp nhập

Trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng nhằm giảm số lượng từ khoảng 40 ngân hàng hiện nay xuống còn 15 - 17 ngân hàng vào năm 2017. Với chủ trương đẩy nhanh các thương vụ M&A trong 6 tháng đầu năm 2015, nhiều đề án sáp nhập cũng đã được NHNN thông qua. Trong đó, phương án sáp nhập của Ngân hàng MDB vào Maritime Bank vừa được NHNN chấp thuận, được coi là thương vụ đầu tiên trong năm, bắt đầu cho “mùa” sáp nhập ngân hàng sắp tới.

Giảm sở hữu chéo

Thông tư 36 của NHNN về giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng có hiệu lực từ đầu tháng 2-2015 buộc các ngân hàng phải xử lý tình trạng nắm giữ cổ phiếu vượt tỷ lệ quy định trong 12 tháng, giới hạn sở hữu chéo tối đa là 5% tại nhiều nhất là 2 tổ chức tín dụng. Chính vì thế, theo ý kiến nhận định chung của giới chuyên gia, đây là thời điểm tốt để tái cấu trúc ngân hàng vào cuộc đua nước rút.

Thực tế cho thấy, thương vụ Maritime Bank và MDB được NHNN chính thức chấp thuận sáp nhập, không gây bất ngờ trên thị trường vì hai ngân hàng có chung sở hữu. Maritime Bank là cổ đông lớn có tỷ lệ sở hữu hơn 10% tại MDB. Chính vì thế, việc hai ngân hàng này về cùng một nhà cũng là hướng giảm tỷ lệ sở hữu chéo theo lộ trình của Thông tư 36. Mặc dù theo báo cáo hợp nhất từ hai ngân hàng trên trong quý 2 và quý 3-2014 cho thấy, cả hai đang gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, theo giới phân tích tài chính, việc có chung sở hữu chéo sẽ giúp hai ngân hàng thuận lợi hơn trong quá trình sáp nhập.

Sự hiện diện nhân sự Nam A Bank vào HĐQT của Eximbank đã làm rõ dư luận hai ngân hàng này sẽ “về cùng một nhà”. Ảnh: HUY ANH

Theo thông tin mới nhất từ hợp đồng sáp nhập hai ngân hàng MDB và Maritime Bank, ngân hàng sau sáp nhập sẽ giữ tên Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank - MSB). Maritime Bank sau sáp nhập sẽ kế thừa và thực hiện tất cả những hoạt động kinh doanh hiện tại của Maritime Bank và MDB, cũng như được tiến hành các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong giấy phép được NHNN cấp.

Theo hợp đồng này, tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 1:1, mỗi cổ phần của MDB do cổ đông hiện hữu sở hữu sẽ được hoán đổi thành 1 cổ phần của Maritime Bank. Vốn điều lệ của Maritime Bank sau sáp nhập gần 11.800 tỷ đồng (bao gồm vốn điều lệ của Maritime Bank là 8.000 tỷ đồng và MDB 3.750 tỷ đồng), tổng tài sản 113.000 tỷ đồng.

Thương vụ M&A đầu tiên trong năm 2015 trên dự báo sẽ nằm trong chuỗi M&A sẽ tiến hành sôi
động trong thời gian tới để tái cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém. Một vị lãnh đạo cấp cao của NHNN Việt Nam khẳng định, điểm nhấn trong quá trình đẩy mạnh tái cấu trúc ngành của NHNN năm 2015 là không chỉ sáp nhập, hợp nhất tự nguyện mà với những ngân hàng nhỏ, yếu kém, nếu không sớm tìm đối tác sẽ tính đến việc M&A bắt buộc để có thể cùng nhau phát triển tốt hơn. Chính vì thế, các ngân hàng nhỏ, hoạt động yếu kém sẽ phải có các kế hoạch M&A sớm để trình cổ đông. Riêng đối với các ngân hàng hoạt động thua lỗ, âm vốn sẽ phải bán lại với giá 0 đồng cho NHNN tương tự như Ngân hàng Xây dựng (VNBC), nhằm tái cơ cấu và phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng này theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Sau VNBC, một vị lãnh đạo NHNN Việt Nam cũng cho biết, sắp tới, một số ngân hàng yếu kém như GPBank, Oceanbank có thể sẽ được cơ quan này xử lý theo cách xử lý VNBC.

Đại hội cổ đông “nóng” chuyện M&A

Tháng 4 là mùa đại hội cổ đông của ngân hàng. Hiện các ngân hàng đang lên kế hoạch để tiến
hành đại hội cổ đông dự kiến vào giữa và cuối tháng 4-2015. Bên cạnh các vấn đề nợ xấu, cổ tức, lợi nhuận thì tâm điểm của mùa đại hội cổ đông ngành ngân hàng sắp tới là M&A. Theo báo cáo và kế hoạch của các ngân hàng gửi cho các cổ đông, các thương vụ M&A cũng đã dần rõ nét hơn.

Cụ thể, thương vụ được thị trường đưa đẩy thông tin nhiều thời gian qua, đó là Nam A Bank và Eximbank, dự kiến cũng sẽ được Eximbank trình trong đại hội cổ đông vào ngày 22-4. Với động thái HĐQT EximBank đưa ra thông báo với cổ đông về việc hai nhân sự là “sếp lớn” từ Nam A Bank (ông Trần Ngô Phúc Vũ, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nam A Bank và ông Trần Ngọc Tâm nguyên Phó Tổng Nam A Bank vừa mới từ nhiệm - PV) chính thức ứng cử các vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 6 năm 2015 - 2020, đại diện cho hơn 20% cổ phần có quyền biểu quyết của nhóm cổ đông và cá nhân tại Eximbank, cũng đã phần nào làm rõ dư luận hai ngân hàng này sẽ “về cùng một nhà” trong thời gian tới. Xét đến thời điểm này, các đại diện đến từ Nam A Bank sẽ là cổ đông có tỷ lệ phiếu biểu quyết lớn nhất so với các cổ đông lớn. Thực tế thương vụ này đã được lãnh đạo NHNN khẳng định trước đó, nhưng vấn đề là với thông tin Nam A Bank sẽ nắm quyền chi phối khi tham gia ứng cử thành viên HĐQT Eximbank năm nay, thì câu chuyện “cá bé nuốt cá lớn” đang gây nhiều tranh cãi và bức xúc cho không ít cổ đông của Eximbank trong đại hội tới.

Cũng theo kế hoạch từ các ngân hàng cho thấy, các thương vụ M&A sẽ làm “nóng” mùa đại hội này, đó là Southern Bank và Sacombank, VietinBank - PGBank, Vietcombank - Saigonbank và cả những thương vụ đồn đoán như DongA Bank - ABBank, BIDV - MHB...  Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thời gian tới, các thương vụ sáp nhập kỳ vọng sẽ nhiều điểm mới, kịch tính hơn, sẽ làm thay đổi thứ hạng và thị phần trên thị trường ngân hàng.

 Đánh giá về việc sáp nhập giữa Maritime Bank và MDB, Hãng tín nhiệm Moody’s cho rằng đây là “cú hích” cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Với thương vụ sáp nhập đầu tiên này, kể từ khi lãnh đạo NHNN công bố thì trong năm 2015, sẽ có thêm nhiều thương vụ M&A các ngân hàng trong hệ thống, để giảm số lượng ngân hàng xuống theo kế hoạch. Theo Moody’s, việc đẩy nhanh các thương vụ M&A là một tín hiệu tích cực, giúp loại bỏ một số ngân hàng yếu kém, trong một vài trường hợp là những ngân hàng yếu kém nhất trong hệ thống ngân hàng. Việc giảm số lượng các ngân hàng này sẽ giúp tránh lây lan nguy cơ rủi ro cho toàn hệ thống.


NHUNG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục