Trong 5 tháng qua, cả nước ta đã cùng đồng lòng, chung tay trong cuộc chiến gian nan chống dịch Covid-19, giành giật từng sinh mạng, không để có bệnh nhân phải tử vong vì dịch. Chúng ta đã đẩy lùi dịch bệnh do đã chiến đấu rất kiên trì, chu đáo, tận tình, tận lực, đề cao ý thức trách nhiệm phòng dịch và tinh thần trân quý, bảo vệ sinh mệnh từng bệnh nhân. Nhưng vui với thành quả phòng chống dịch Covid-19, chúng ta lại phải đau lòng khi liên tưởng: Cũng với quãng thời gian này, nước ta lại có rất nhiều người tử vong vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động cùng những hiểm họa thiên tai và nhân tai khác. Liên tưởng đến điều này để thấy rằng nếu như các cơ quan chức năng liên quan và mọi người đều có ý thức và quyết tâm phòng chống tai nạn như khi phòng chống dịch Covid-19, số người tử vong vì các hiểm họa tai nạn chắc sẽ giảm thiểu.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, cả nước xảy ra 5.508 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.667 người, bị thương 3.965 người. Chưa có số liệu tai nạn lao động 5 tháng đầu năm, nhưng với mức bình quân những năm gần đây mỗi ngày có 2 lao động tử vong do các vụ tai nạn tại nhiều công trình trên cả nước, thì ước con số tử vong vì tai nạn lao động 5 tháng qua cũng lên đến hàng trăm. Chỉ riêng vụ sập công trình xây dựng nhà máy của Công ty AV Healthcare (KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vào chiều 14-5 đã làm 10 người chết, 15 người bị thương.
Theo số liệu của Cục Trẻ em (thuộc Bộ LĐTB-XH), mỗi năm nước ta có trên 3.000 trẻ em tử vong vì tai nạn thương tích, trong đó có hơn 2.000 em tử vong do đuối nước. Những con số thống kê tai nạn chưa đầy đủ nhưng đủ khiến chúng ta rất lo lắng. Mới vào mùa mưa bão, nhưng đã có nhiều trường hợp tử vong do bị nhà sập, cây đổ gãy, mưa lũ cuốn, sét đánh, chìm ghe xuồng, lọt hố ga, bị điện giật khi mưa ngập đường…
Nhiều nguyên nhân dẫn đến những chuyện đau lòng đó, có những vụ tai nạn do rủi ro khách quan, nhưng cũng có những vụ tai nạn do những nguyên nhân chủ quan, như: đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị chậm khắc phục, cảnh báo những nơi mất an toàn; chủ sử dụng lao động và nhà thầu thi công tắc trách, vi phạm các quy định pháp luật về an toàn lao động; gia đình lơ là để mặc con nhỏ chơi đùa nguy hiểm; những bất cẩn gây mất an toàn điện… Có nhiều vụ trẻ em đuối nước do sự chủ quan, dại dột, nông nổi; trong khi gia đình, nhà trường đã lơi lỏng việc giám sát, nhắc nhở trẻ, và nhất là thiếu quan tâm trang bị kỹ năng tự bảo vệ an toàn cho trẻ, nên trẻ không biết bơi nhưng vẫn liều tắm sông ở nơi nguy hiểm.
Trước những sự bất an có thể thành hiểm họa tai nạn cho nhiều người đó, thái độ tích cực nhất là không đổ thừa hay lảng tránh, mà hãy nhận trách nhiệm về mình, như trường hợp thầy Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TPHCM), nhận trách nhiệm trong vụ cây phượng ở sân trường ngã đè học sinh tử vong. Đã vào mùa mưa bão, việc thi công công trình, ra đường, đi học… trong lúc này phải đối mặt với những rủi ro khó lường. Do vậy, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị cần chủ động rà soát, kiểm tra khắc phục những nguy cơ tai nạn, như tỉa cành, đốn cây mục, lấp ổ gà, đậy nắp hố ga, rào chắn bờ kênh.
Các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường kiểm tra chấn chỉnh vi phạm về an toàn lao động. Các trường học khắc phục khó khăn để thực hiện việc phổ cập bơi lội cho học sinh. Trường học phải thực sự là nơi an toàn, đem đến những điều kiện tốt nhất để trẻ được học tập, rèn luyện, trưởng thành, đủ năng lực tự bảo vệ an toàn, có kỹ năng sống để vào đời vững vàng, lành mạnh về cả tinh thần lẫn thể chất. Từng gia đình, từng người dân cùng nâng cao ý thức tự bảo vệ, cẩn trọng với các nguy cơ tai nạn, như: nghiêm chỉnh tuân thủ an toàn giao thông; chu đáo, cẩn thận khi lao động. Những bài học thành công rất quý giá từ cuộc chiến đấu chống dịch Covid-19 nên được áp dụng, phát huy thật chu đáo, đầy trách nhiệm và đậm tính nhân văn, giành giật từng sinh mạng, quyết liệt giảm thiểu số người tử vong vì các hiểm họa thiên tai và nhân tai.