Ngăn tăng giá bất hợp lý, bảo vệ người tiêu dùng

Trong bối cảnh giá tiêu dùng vẫn còn cao và nhiều mặt hàng chưa có dấu hiệu giảm theo giá xăng, mới đây, UBND TPHCM đã yêu cầu sở, ngành chủ trì hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ kê khai giá các mặt hàng theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo UBND TPHCM các trường hợp tăng giá bất hợp lý nhằm bảo vệ người tiêu dùng.
Hàng hóa tham gia bình ổn thị trường đang giữ giá thấp hơn thị trường 15%
Hàng hóa tham gia bình ổn thị trường đang giữ giá thấp hơn thị trường 15%

Thực tế, sau khi giá xăng dầu trong nước liên tục giảm, giá nhiều mặt hàng thực phẩm tại TPHCM như dầu ăn, rau củ quả… cũng hạ nhiệt. Dù vậy, một số mặt hàng như trứng, thịt gia cầm, thịt heo… không có nhiều thay đổi. 

Mới đây, lãnh đạo TPHCM đã giao Sở Tài chính theo dõi diễn biến giá cả thị trường của các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường phục vụ kịp thời yêu cầu các lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và UBND thành phố. Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các sở ngành có liên quan tham mưu UBND thành phố công tác quản lý giá đối với mặt hàng tham gia Chương trình bình ổn thị trường của TPHCM. UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sở Công thương TPHCM đã gửi văn bản kiểm tra giám sát việc tăng giá hợp lý tới các siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mới, các đơn vị bình ổn giá… Trả lời báo giới mới đây, lãnh đạo Sở Công thương cho biết, chưa phát hiện đơn vị vi phạm và có một số siêu thị thông báo giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu. Ví dụ như Saigon Co.op, Bách hóa Xanh giảm giá mặt hàng dầu ăn như: dầu ăn Cooking từ 50.000 đồng còn 47.000 đồng, dầu ăn Nakydaco từ 47.000 còn 43.000 đồng… Mức giảm này áp dụng từ cuối tháng 8. 

Từ tháng 8-2022, Sở Công thương TPHCM đã đề nghị các hệ thống phân phối phải dự báo cung - cầu thị trường, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bình ổn thị trường, đơn vị cung ứng chủ lực xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa; chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định, không tăng giá bất hợp lý; các đơn vị phân phối tiếp tục rà soát, hỗ trợ áp dụng chiết khấu, ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng; đặc biệt, nghiên cứu chính sách ưu đãi với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công thương, đến nay nguồn cung hàng hóa vẫn đảm bảo số lượng, chất lượng, giá cả bình ổn theo đúng quy định do các đơn vị chuẩn bị cung ứng nguồn hàng dồi dào, nhiều doanh nghiệp bình ổn còn cam kết giữ giá cho người tiêu dùng. 

Liên quan đến một số mặt hàng như trứng, thịt… trong chương trình bình ổn hiện vẫn đang giữ giá, không giảm, đại diện của Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) cho biết: giá nguyên vật liệu các ngành đều tăng cao, đặc biệt, giá thức ăn chăn nuôi, giá nguyên liệu của ngành lương thực thực phẩm tăng 30-50%, kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá. Gần đây, giá một số mặt hàng được điều chỉnh tăng nhưng không bù đắp nổi với mức tăng của chi phí nguyên liệu đầu vào, cơ cấu giá thành sản phẩm trứng gia cầm, giá xăng dầu chiếm không nhiều. Ngoài ra, giá trứng gia cầm từ chương trình bình ổn thị trường đang thấp hơn thị trường 10-15%. Do đó, hiện các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong Chương trình bình ổn thị trường chưa thể điều chỉnh giảm, các doanh nghiệp đang cố gắng giữ giá ổn định 

Tin cùng chuyên mục