Động vật rừng từ các huyện vùng cao Nam Đông, A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị săn bắn rồi giết, xẻ thịt bày bán công khai tại nhiều nơi. Trong đó, khu vực ngã ba cầu Tuần đoạn giao nhau giữa đường tránh quốc lộ 1A qua TP Huế với quốc lộ 49 thuộc địa bàn xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà được mệnh danh là “phố thịt rừng” với hàng loạt đầu nậu công khai bày bán thịt nai, nhím, heo rừng, chồn hương…
Qua ý kiến phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo SGGP vào vai khách du lịch để tiếp cận “phố thịt rừng”. Từ trung tâm TP Huế theo quốc lộ 49 khoảng 10km, qua cầu Tuần rẽ tiếp vào quốc lộ 49 chưa đầy 10m, khu vực bán thịt rừng hiện ra nhộn nhịp. Trên dãy dài bàn ghế kê tạm bợ là những chiếc đùi nai, mang, heo rừng và cả những chú chồn hương đã được làm sẵn để nguyên con bày bán. Thấy khách tới, các chị chủ hàng thịt thú rừng mời chào rôm rả. Ngoài thịt thú rừng các loại được sắp kín trên mấy dãy bàn, còn để đầy trong các thùng xốp cho khách tha hồ chọn lựa.
Thịt thú rừng các loại bày bán công khai tại khu vực ngã ba cầu Tuần.
Một chị bán hàng tên Hoa cho biết, phiên chợ đầu tiên trong ngày bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng đến tận chập choạng tối mới tan. Ngoài người dân TP Huế và các huyện thị lân cận, khách đến mua thịt thú rừng còn có rất đông khách du lịch sau khi tham quan di tích lăng Minh Mạng gần đó ghé vào mua với giá từ 200.000 - 400.000 đồng/kg tùy từng loại thịt thú rừng. Thú rừng được săn bắt ở các huyện miền núi A Lưới, Nam Đông, rồi giết, xẻ thịt vận chuyển lén lút về đây bày bán. Cứ thế, ngày nào thú rừng cũng bị giết hại.
Theo Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế, ngoài yếu tố tự nhiên bất lợi tác động, những năm trở lại đây, nhu cầu thị trường cũng như giá trị kinh tế đối với sản phẩm động vật hoang dã tăng lên đã làm cho số phận của động vật rừng bị đe dọa nghiêm trọng.
Kết quả khảo sát của lực lượng Kiểm lâm cho thấy, tại Thừa Thiên - Huế có ít nhất 22 loài thú, 9 loài chim và 16 loài bò sát bị buôn bán và tiêu thụ trái phép. Đặc biệt, mật độ bẫy ngày càng dày đặc, có tính hủy diệt cao. Trước đây, người dân thường đi săn, đặt bẫy sau các vụ mùa thì hiện nay hoạt động săn bắt đã trở nên thường xuyên hơn và một số người trở thành tay săn chuyên nghiệp.
Ngoài ra, nhiều đầu nậu và nhà hàng kinh doanh buôn bán động vật hoang dã ở các thị xã Hương Trà, Hương Thủy và TP Huế đã thuê hẳn những tay thợ săn từ Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh vào “nằm vùng” tại nhiều khu vực rừng nguyên sinh đặt bẫy và săn thú.
Thêm vào đó, việc mua bán, vận chuyển mặt hàng này của những tay buôn lậu diễn ra tinh vi và có tổ chức. Tại một số tụ điểm thường xuyên mua bán động vật hoang dã như ở Bình Điền, cầu Tuần, hình thức bày bán sản phẩm thịt thú rừng của các chủ kinh doanh rất khôn ngoan. Những đối tượng này chỉ bày bán thịt gia súc hoặc vật nuôi thông thường theo hình thức “treo đầu dê, bán thịt chó”, còn sản phẩm “chính” lại được cất giấu rất kỹ, chỉ khi nào biết khách hàng có nhu cầu thật sự họ mới mang ra bán đã khiến lực lượng kiểm lâm rất khó xử lý.
Văn Thắng