Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 293.000 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 257.400 tỷ đồng, giảm 15,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 16.800 tỷ đồng, giảm 64,7%...
Đại diện các doanh nghiệp lữ hành trong nước chia sẻ, nếu năm 2019 được xem là năm ăn nên làm ra của ngành du lịch, dịch vụ khi đón gần 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chưa kể hàng chục triệu lượt du khách nội địa, thì từ đầu năm đến nay, du khách đến Việt Nam rất ít. Những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn thế giới đã buộc Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài, nhiều địa điểm tham quan du lịch ngừng hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, Thanh Hóa giảm 64%, Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 62,5%, Khánh Hòa giảm 59,5%, Quảng Ninh giảm 58,5%. Những thành phố lớn vốn có nhiều lợi thế thu hút du lịch như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… cũng có mức giảm rất sâu, 38%-58,3%. Doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng đầu năm ước tính đạt 7.900 tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng mức và giảm 45,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,6%).
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết các hoạt động dịch vụ, bán lẻ, du lịch giảm mạnh đã kéo theo nguồn tiêu thụ hàng hóa nói chung và lương thực thực phẩm nói riêng ở hệ thống nhà hàng, khách sạn giảm mạnh. Không dừng lại đó, do lo ngại về dịch bệnh và thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 nên người dân giảm tần suất đi mua sắm ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Một số điểm bán hàng tạm ngưng hoạt động vì không có khách.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 4 tháng qua cũng đạt con số khá khiêm tốn là 1.520.000 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 9,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,8%). Ở góc độ khác, đại diện hệ thống siêu thị bán lẻ Lotte, Aeonmal, Saigon Co.op… cũng cho biết, sức mua tăng đột biến tại những thời điểm nhất định, chủ yếu tập trung vào một số hàng hóa nhất định như lương thực thực phẩm, đồ dùng gia dụng, sản phẩm tẩy rửa vệ sinh, sát khuẩn, y tế, còn lại hàng ngàn mặt hàng khác có sức mua chậm, thậm chí là sức mua bằng không.
Tình trạng trên kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN). Nhiều DN đã phải tạm ngưng hoạt động sản xuất hoặc giảm công suất sản xuất. Đại diện Bộ KH-ĐT nhấn mạnh, tính từ đầu tháng 4 đến nay, hơn 40.000 DN ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản. Riêng trong tháng 4 đã có đến 4.121 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 68,1% so với tháng trước và tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước. Ghi nhận sơ bộ tại nhiều tuyến đường mua bán sầm uất trên địa bàn TPHCM như Nguyễn Trãi (kéo dài từ quận 1 đến quận 5); Lê Lợi, Lý Tự Trọng (quận 1); Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, quận 3)…, rất nhiều cửa hàng bán lẻ đã được các cơ sở kinh doanh, tiểu thương ngưng kinh doanh hoặc trả mặt bằng thuê.
Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng nhẹ là nhờ hình thức mua sắm trực tuyến được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh còn có khả năng kéo dài nên việc giảm sức mua nhiều mặt hàng, ngoại trừ mặt hàng thiết yếu, sẽ tác động mạnh đến ngành bán lẻ trên toàn thị trường. Do đó, cùng với việc đẩy nhanh các gói hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, khoanh nợ, giãn nợ, giảm hoặc miễn chi phí, lệ phí đến với DN, các cơ quan chức năng cần tính đến những giải pháp hỗ trợ phù hợp hơn cho đặc thù ngành bán lẻ. Trong đó, cần có những giải pháp hỗ trợ chi phí duy trì mặt bằng, đổi mới hình thức quản lý, quản trị bán hàng từ trực tiếp sang online.
Đặc biệt, đẩy nhanh giải pháp hỗ trợ công nghệ để phát triển hệ thống thương mại điện tử, hỗ trợ vốn để nâng cấp hạ tầng… Về phía DN hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, cần chủ động chuyển đổi mạnh mẽ sang hình thức thương mại điện tử kết hợp gia tăng dịch vụ chăm sóc khách hàng tận nhà để duy trì ổn định sức mua, tạo điều kiện hỗ trợ DN sản xuất duy trì hoạt động của mình.