
Đối diện thách thức mới
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện đạt khoảng 4.922 tỷ đồng (tương đương khoảng 190 tỷ USD). Trong đó, tiêu dùng cho nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất với 35,7%; nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 10,7%; nhóm hàng may mặc chiếm 5,5%... Hiện hàng hóa được phân phối, bán cho người tiêu dùng qua hệ thống hạ tầng thương mại, gồm: 8.274 chợ, 1.293 siêu thị, 276 trung tâm thương mại và gần 7.000 cửa hàng tiện lợi trên cả nước.
Năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả nước tăng 3,63% so với năm 2023, đạt chỉ tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội giao đầu năm 2024. Sức mua trên thị trường vẫn có sự tăng trưởng so với năm 2023. Trong quý 1-2025, CPI bình quân tăng 3,22% so với cùng kỳ năm 2024, là mức tăng hợp lý trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh triển khai các giải pháp tăng trưởng, vẫn trong giới hạn chỉ tiêu Quốc hội giao về kiểm soát lạm phát năm 2025.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương), việc phát triển thị trường trong nước năm 2025 đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là sự suy giảm của kinh tế toàn cầu, chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá ngoại tệ khiến thị trường xuất khẩu ảnh hưởng, làm giảm thu nhập của một bộ phận người dân và gián tiếp tác động đến tiêu dùng nội địa.
Cùng đó là sự thay đổi hành vi mua sắm từ offline (mua trực tiếp) sang online (trực tuyến), đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích nghi với các nền tảng số, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa đủ năng lực đầu tư triển khai và thích ứng. Ngoài ra, thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh, người tiêu dùng dễ dàng mua hàng trực tiếp từ nước ngoài, ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước.
Một thách thức nữa là việc người tiêu dùng hiện nay ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thân thiện với môi trường, nhưng nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn chưa kịp chuyển đổi để đáp ứng xu hướng này. Thậm chí, trên thị trường vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh sản phẩm từ các địa phương… gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại do chi phí trưng bày cao và thủ tục phức tạp.
Giải pháp phát triển thị trường
Trước bối cảnh trên, ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, cho biết, việc phát huy cao độ vai trò của từng mắt xích trong chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu dùng được nhận định sẽ giúp thị trường phát triển bền vững. Một trong những giải pháp được ông nêu ra, đó là Bộ Công thương phối hợp với Sở Công thương các địa phương và doanh nghiệp triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu, kết hợp với việc triển khai các chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu lớn áp dụng chính sách bảo hộ.
Với Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo ông Chinh, cần tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa; phối hợp với các địa phương khác triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng sản xuất tại địa phương, sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn ứng dụng công nghệ số để kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp thương mại điện tử triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá, ưu đãi khi mua sắm trực tuyến để kích thích tiêu dùng; tích cực triển khai chương trình Bình ổn thị trường thông qua các phương thức mới (về huy động nguồn lực) để tăng quy mô và hiệu quả, kết hợp các hoạt động kết nối cung - cầu và xúc tiến thương mại.
Trên thực tế, mắt xích trong chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu dùng đã và đang được các nhà bán lẻ chủ động phát huy tốt. Điển hình là Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã tận dụng mạng lưới hơn 800 điểm bán, phủ đều ở tất cả các phân khúc của mình để thực hiện vai trò làm cầu nối cho hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng. Cụ thể, các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op là Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket… đều ưu tiên cho hàng Việt khi hàng hóa kinh doanh trên quầy kệ chiếm tỷ lệ trên 90%. Với hoạt động bình ổn thị trường, Saigon Co.op vẫn đang không ngừng mở rộng và kết nối cung - cầu nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa giá cả hợp lý cho người dân.
Ngoài ra, nhà bán lẻ Việt tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong các hoạt động bảo vệ môi trường với nhiều chương trình ý nghĩa như: Tiêu dùng xanh, Kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM - Tick xanh trách nhiệm và phong trào Sống xanh. Ngoài ra, Saigon Co.op còn tích cực tham gia chuỗi chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh thành trên cả nước. Thông qua các thỏa thuận hợp tác, doanh nghiệp đã phát triển mạnh mẽ chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa, giúp kết nối nguồn hàng từ nhiều địa phương đến hệ thống bán lẻ của mình, góp phần đảm bảo nguồn hàng phong phú, ổn định cho người tiêu dùng trên toàn quốc.
Trong định hướng kinh doanh năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, doanh nghiệp sẽ linh hoạt trong phương thức vận hành nhằm nâng cao khả năng thích nghi với thị trường, mạnh dạn đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Saigon Co.op sẽ dành ngân sách lớn để hiện đại hóa toàn bộ không gian mua sắm; tinh chọn nhóm ngành hàng phù hợp với đa dạng phân khúc khách hàng; đẩy mạnh thương mại điện tử. “Hiện tại, chúng tôi đang triển khai chiến dịch Hành trình hạnh phúc. Đây là hoạt động kết nối khách hàng lớn nhất trong năm của Saigon Co.op. Đồng thời dịp này, Saigon Co.op cũng đón mừng tuổi 29 của hệ thống siêu thị Co.opmart. Từ khi thành lập đến nay, mỗi dấu mốc chuyển mình của đất nước, Saigon Co.op đều được hiện diện, sẻ chia và đóng góp - như một người bạn thân thiết trong đời sống hàng ngày”, ông Nguyễn Ngọc Thắng chia sẻ. Theo ông, bên cạnh những hoạt động thiết thực nhằm lan tỏa thông điệp gắn kết ba miền, vinh danh hàng Việt, sản phẩm OCOP, Saigon Co.op sẽ cùng người dân địa phương quảng bá nét đẹp văn hóa, con người của mỗi vùng miền… Song song đó, tại 800 điểm bán của Saigon Co.op cũng triển khai chương trình “Hành trình tuổi mới - Kết nối tự hào”, khuyến mãi giảm giá hàng hóa đến 50% cho người tiêu dùng.