Ngành công nghiệp TPHCM xoay xở vượt khó

Ngành công nghiệp TPHCM xoay xở vượt khó

Tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, cộng với giá cả đầu vào liên tục leo thang khiến việc sản xuất trong nước nói chung và ngành sản xuất công nghiệp nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để không bị đào thải, các doanh nghiệp (DN) TPHCM đang nỗ lực xoay xở vượt qua “cơn bĩ cực”.

Khó khăn chồng chất

Sản xuất ống nhựa tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất ống nhựa tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh. Ảnh: CAO THĂNG

Năm 2008 là tâm điểm của cơn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam. Tác động này khiến các DN trong nước một phen lao đao vì sản xuất kinh doanh ngưng trệ. Nhưng khi sản xuất kinh doanh vừa được vực dậy, DN lại phải đối mặt với biến động lãi suất, tỷ giá và giá cả xăng, dầu, điện… thay nhau tăng. “Năm nay tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn gấp nhiều lần so với những năm trước. Tính đến thời điểm hiện nay, chi phí đầu vào của ngành giấy đã tăng 25%-30%. Trong khi đó, việc điều chỉnh giá đơn hàng không thể thực hiện do đối tác nào cũng rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất. Giải pháp trước mắt là quyết liệt tiết kiệm trong điều hành sản xuất và chi tiêu nhằm duy trì sản xuất để chờ cơ hội…”, Giám đốc Công ty giấy Việt Trung Long An Đỗ Thanh Hùng nhận định.

Theo ông Hùng, ngay sau khi giá xăng, dầu vừa được điều chỉnh tăng thêm 2.000-2.800 đồng/lít
hôm 29-3, liền sau đó giá cước vận tải và nguyên liệu đầu vào đã đua nhau tăng mạnh khiến việc cân đối đơn hàng rất khó khăn.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT CTCP Phép Pomina (POM) Đỗ Duy Thái cho rằng, diễn biến hiện tại hết sức khó khăn đối với các DN công nghiệp nặng trong nước nói chung, trong đó, DN ngành thép phải đối mặt với nhiều thách thức như tỷ giá biến động mạnh, lãi suất cao so với các DN cùng ngành ở nhiều nước trong khu vực… Đáng lưu ý, nguyên liệu sản xuất thép trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu. Do đó, với mức biến động tỷ giá hiện nay sẽ rất khó khăn đối với các DN phải nhập khẩu nguyên vật liệu. Tiên lượng trước những khó khăn nên năm nay, POM chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10% so với năm 2010, trong khi các năm trước đó, DN này đặt mục tiêu thấp nhất tăng trưởng 20%.

Tương tự, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hoàng Long Nguyễn Thu Hằng cho rằng, ngoài khó khăn về tỷ giá và nguyên liệu đầu vào, hiện giá thị trường sinh hoạt cũng tăng, do vậy phải tăng lương cho công nhân. Chưa kể, từ ngày 1-5 mức lương tối thiểu tăng nữa sẽ khiến DN oằn lưng cộng thêm chi phí.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) Lê Văn Chung, các dự án xi măng thường được đầu tư bằng ngoại tệ, sau thời gian khủng hoảng tài chính, lãi suất ngân hàng tăng, cộng thêm trượt giá nên việc thu hồi vốn, trả nợ sẽ là thách thức không nhỏ. Riêng Vicem với 7 dự án đưa vào sản xuất thì trong năm 2011 dự kiến sẽ phải trả khoản nợ khoảng 3.200 tỷ đồng, tương đương đầu tư mới một nhà máy xi măng lớn. Hiện nay, một số dự án xi măng không đủ sức trả nợ, có khả năng phải sáp nhập.

Linh động điều chỉnh lãi suất

Để đối phó với tình hình “giá bán không đủ bù đắp chi phí đầu vào” như hiện nay, nhiều DN đã xây dựng kế hoạch cắt giảm tối đa chi phí thường xuyên. Song song đó, tìm cách mở rộng sản xuất kinh doanh để lấy thu bù chi. Giảm bớt chi phí sản xuất thông qua cải tiến, đổi mới về công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý.

Ông Nguyễn Bảo Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Cơ khí Phú Thạnh cho biết, đơn vị đang đẩy mạnh tiếp thị, tìm thêm hợp đồng với khách hàng nước ngoài, tăng nguồn thu ngoại tệ để lấy chênh lệch tỷ giá USD bù lại. Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Phạm Chí Cường, đổi mới công nghệ, tiết giảm chi phí là con đường sống còn của DN.

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Văn Lai cho rằng, để giải quyết những khó khăn trước mắt cho DN, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh lãi suất cho vay dưới 14%/năm. Bởi lãi suất cao đang gây khó khăn cho DN trong quá trình mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới trang thiết bị, mua sắm nguyên vật liệu... Ưu tiên bán ngoại tệ cho các DN có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa thiết yếu và nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu theo giá niêm yết. Mở rộng đối tượng, tăng hạn mức bảo lãnh tín dụng cho DN vay vốn sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý.

Theo Sở Công thương TPHCM, sản xuất công nghiệp (SXCN) và hoạt động thương mại trên địa bàn TP vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao. Trong đó, giá trị SXCN quý I ước đạt 146.686 tỷ đồng, tăng 13,6% so với quý I năm 2010. Doanh thu thương mại và dịch vụ quý I vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao (tăng 30,4%) so với cùng kỳ. Riêng giá trị SXCN tháng 3 ước đạt 51.423 tỷ đồng, tăng 18,4% so với tháng trước và tăng 11,8% so với tháng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,3%). Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ tăng trưởng SXCN và hoạt động thương mại trên địa bàn đang chựng lại. 


LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục