Ngành Dệt - May Việt Nam: 2 tỷ USD và 20 vạn việc làm

Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 18,8-19,3 tỷ USD (tăng 2 tỷ USD so với năm 2012), tạo thêm 20 vạn việc làm mới, ngành Dệt may đang tiếp tục được kỳ vọng sẽ tận dụng thành công sự chuyển hướng đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu, tự tin đón đầu những cơ hội phát triển trong tương lai.
Ngành Dệt - May Việt Nam: 2 tỷ USD và 20 vạn việc làm

Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 18,8-19,3 tỷ USD (tăng 2 tỷ USD so với năm 2012), tạo thêm 20 vạn việc làm mới, ngành Dệt may đang tiếp tục được kỳ vọng sẽ tận dụng thành công sự chuyển hướng đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu, tự tin đón đầu những cơ hội phát triển trong tương lai.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dệt may Việt Nam đã nằm trong danh sách ưu tiên của nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài, có khả năng cạnh tranh với những quốc gia phát triển mạnh về dệt may như Trung Quốc, Mexico hay Bangladesh...

Sự ngược chiều thú vị

Nhìn lại diễn biến xuất khẩu của ngành Dệt may trong năm 2012 có thể thấy sự ngược chiều thú vị đối với chiều hướng chung của dệt may thế giới.

Dự báo tổng nhu cầu dệt may toàn thế giới năm 2013 trị giá 713 tỷ USD, tăng 2,32%. Trong đó,  thị trường Hoa Kỳ sẽ nhập khẩu 103 tỷ USD, tăng 3,01%. Thị trường châu Âu sẽ nhập khẩu 234 tỷ USD, giảm 2,6% (năm 2012 giảm 10%). Thị trường Nhật Bản sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 10%, thị trường Hàn Quốc duy trì mức 10,5 tỷ USD, tương đương năm 2012, các  thị trường khác dự kiến cũng sẽ tăng khoảng 5%.

Trong khi nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản đều giảm thì kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào những thị trường này vẫn tăng trưởng ổn định.

Cụ thể, nhập khẩu dệt may vào thị trường Mỹ năm 2012 giảm 0,5% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9,2%, tại thị trường Hàn Quốc giảm 7% nhưng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn tăng 9%, thị trường Nhật Bản còn tăng mạnh tới 17%... Điều này cho thấy dệt may Việt Nam ngày càng uy tín và có tính cạnh tranh cao trên thị trường thế giới, nhờ đó, trong năm 2012 chúng ta đã phát triển thêm 1 thị trường có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là Hàn Quốc.

Lý giải về sự ngược chiều này lãnh đạo một số doanh nghiệp dệt may lớn đều chung nhận định chiến lược phát triển của ngành dệt may nước ta những năm gần đây đã có những bước đi đúng đắn khi chuyển dần từ tăng trưởng theo số lượng (chiều rộng) sang nâng cao năng suất lao động, gia tăng hàm lượng nội địa hóa (chiều sâu). Đồng thời, đi vào những mặt hàng có yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng khá và cao, tận dụng khả năng linh hoạt cao trong việc đáp ứng các đơn hàng quy mô nhỏ và vừa, thời gian giao hàng tương đối gấp để hình thành lên các thị trường ngách của dệt may Việt Nam.

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chủ động đầu tư trang thiết bị, nhân lực để nhanh chóng đón đầu xu hướng dịch chuyển các đơn hàng của nhà nhập khẩu Nhật Bản từ Trung Quốc sang. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có được đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản đến hết tháng 9/2013, doanh thu từ xuất khẩu sang thị trường này có thể chiếm đến 60-70% tổng doanh thu của một số doanh nghiệp.

Điều này đã thể hiện rõ tính linh hoạt, hiệu quả của chiến lược hai thị trường mà ngành Dệt may áp dụng trong thời điểm khó khăn hiện nay là tiếp tục duy trì tốt các thị trường đang có, đặc biệt là tận dụng những ưu thế cạnh tranh trong những thị trường ngách, và tập trung tăng thị phần ở những thị trường mới như Nga, Đông Âu, Trung Đông... chứ không chỉ đơn thuần là đầu tư mở rộng thị trường chạy theo số lượng.

Đón đầu cơ hội

Mặc dù đã đạt được những kết quả kinh doanh thuận lợi trong năm 2012 nhưng để đạt được mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong năm 2013 và kế hoạch trở thành điểm đến của ngành dệt may thế giới thì Dệt may Việt Nam cần phải tiếp tục khắc phục hai hạn chế lớn nhất: tỷ lệ nội địa hóa thấp và chi phí tín dụng còn cao.

Điểm đáng mừng là cả hai hạn chế trên đều đã có những phương hướng giải quyết hết sức khả quan từ những giải pháp của Chính phủ.

Trước hết về chi phí đầu vào, ngành Dệt may sẽ được hưởng lợi không nhỏ khi Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu được triển khai ngay trong tháng 1/2013.

Trong quy hoạch phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành dệt may xác định mục tiêu tăng trưởng hằng năm là 12-14%; tăng trưởng xuất khẩu là 15%.

Theo đó, các doanh nghiệp dệt may sẽ được gia hạn 6 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng phải nộp trong quý I/2013, và 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong quý II-III/2013. Bên cạnh đó, lãi suất tín dụng vẫn đang tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm sẽ giúp doanh nghiệp dệt may có khả năng cạnh tranh cao hơn.

Về vấn đề nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nhiều chuyên gia kinh tế đang chờ cơ hội tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ của ngành dệt may trong tương lai nếu tận dụng được những ưu đãi về thuế và kim ngạch xuất khẩu từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, nếu đàm phán thành công TPP sẽ có hiệu lực vào năm 2015, khi đó, xuất khẩu dệt may sử dụng nguyên phụ liệu trong nước sẽ được hưởng thuế suất 0% đối với thị trường các nước thành viên TPP trong đó lớn nhất là Mỹ, thay vì thuế suất 17-35% (tùy chủng loại) như hiện nay. Và đây là một trong những lý do các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm cơ hội liên kết đầu tư các nhà máy dệt, nhuộm, sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chỉ trong hai tháng (11 và 12/2012), đã có hơn 10 doanh nghiệp sản xuất xơ, sợi, dệt nhuộm đến từ các quốc gia phát triển ngành dệt may như Texhong, Sunrise (Trung Quốc), Toray International và Mitsui (Nhật Bản), Lenzing (Áo)… đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác đầu tư vào dệt nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu dệt may.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hiện Việt Nam nhập khẩu phần lớn bông và xơ nhân tạo để kéo sợi (sản lượng khoảng 680.000-700.000 tấn/năm), nhưng sau đó xuất khẩu 65% sợi sản xuất được. Số còn lại được dệt và tạo ra khoảng 1,2 tỉ mét vuông vải mộc. Năng lực nhuộm và hoàn tất của Việt Nam chỉ đạt khoảng 0,8 tỷ m2 vải/năm, nên vẫn phải nhập hơn 5,2 tỷ mét vải mới đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, trong năm 2012, các doanh nghiệp dệt may đã phải nhập khẩu lượng bông, xơ, sợi, vải trị giá trên 9,3 tỷ USD và nguyên phụ liệu dệt may, da giày lên tới hơn 3,8 tỷ USD.

Do đó, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp sợi, dệt, nhuộm sẽ giúp dệt may Việt Nam gia nhập hoàn toàn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu và từng bước trở thành một trung tâm xuất khẩu thời trang của thế giới.

Phương Nguyên (VGP)

Tin cùng chuyên mục