Đề nghị tăng hậu kiểm để tránh hàng hóa kém chất bán tràn lan

Sáng 17-5, thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nhiều đại biểu đề nghị bổ sung các quy định tăng tính hậu kiểm hàng hóa, tránh cho người tiêu dùng mua "nhầm" hàng chất lượng "dỏm".

Ha.jpg
ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo luật cần rà soát các quy định nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Theo ĐB, vì đây là đạo luật gốc, liên quan gần 80 luật chuyên ngành, cần quy định rõ những lĩnh vực nào là tiền kiểm, hậu kiểm.

Góp ý cụ thể, ĐB Hà cho biết, tại điều 4 dự thảo luật chưa quy định rõ ràng, chưa giải quyết được những xung đột của các quy định hiện hành; ĐB đề nghị sửa theo hướng "cái gì sẽ phải tuân theo luật hàng hóa, cái gì tuân theo luật chuyên ngành".

Trong khi đó, tại điều 5 dự thảo luật quy định nguyên tắc phân loại hàng hóa, ĐB đồng ý chia hàng hóa thành 3 loại, nhưng nguyên tắc vẫn thiên về công tác quản lý, mà không có nguyên tắc quản lý hệ thống chất lượng.

Hoi truong.jpg
Các đại biểu nghe thảo luận về dự thảo luật. Ảnh: QUANG PHÚC

"Khâu thử nghiệm sản phẩm cuối cùng không phải là biện pháp quản lý chất lượng hàng hóa. Ví như vụ gần 600 mã sản phẩm sữa giả vừa qua là điển hình. Tôi kiến nghị cần sửa theo hướng bổ sung nguyên tắc hậu kiểm, hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết, nhất là nhóm hàng hóa rủi ro trung bình, rủi ro cao", ĐB Hà đề nghị.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ với tiêu chuẩn hàng hóa của mình để phù hợp thông lệ quốc tế; cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ cũng là để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm.

Theo ĐB Hòa, xem xét hàng hóa nào cần kiểm nghiệm áp dụng công nghệ, hàng hóa nào cần kiểm nghiệm thủ công, để tránh hao tốn kinh phí của doanh nghiệp, điều này cũng cần quy định rõ.

Hoa.jpg
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phạm Văn Hòa nhận định, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa trong thời gian qua đã làm tốt, nhưng vẫn có sản phẩm không đảm bảo chất lượng, còn nhiều hàng giả, hàng gian. Dự thảo luật coi trọng khâu tiền kiểm, còn hậu kiểm quan trọng thì lại quy định ít.

Theo ĐB, việc để hàng hóa kém chất lượng, hàng gian, hàng giả nhiều là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, Bộ Y tế. ĐB khẳng định, việc bắt nguyên lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế ) vừa qua được nhân dân ủng hộ và bày tỏ xử lý những cá nhân như vậy là muộn, cần làm sớm hơn để lấy lại niềm tin của người dân.

ĐB Hòa còn đề xuất, ngoài kiểm tra chất lượng sản phẩm, dự thảo cần quy định có tổ chức khảo sát nghiên cứu thị trường để xem thái độ người tiêu dùng về sản phẩm hàng hóa lưu thông như thế nào.

Trong việc này, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân của tổ chức khảo sát phải có trách nhiệm cảnh báo mức độ an toàn trong nhãn hiệu, nhãn mác để người tiêu dùng nhận biết. Hoặc nhà sản xuất cần có cảnh báo; nếu sản phẩm hàng hóa vi phạm, thì cơ sở phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng, điều này là cần thiết.

DUY THANH.jpg
ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) nói lại việc cần bỏ quy định công bố hợp quy và đề nghị tăng hậu kiểm hàng hóa, không nên tập trung quá vào khâu tiền kiểm như trong dự thảo luật: "Công tác hậu kiểm mới quan trọng, bài học lùm xùm vụ sữa giả vừa qua là bài học".

ĐB Nguyễn Thị Sửu (TP Huế) cảnh báo, việc quy định như trong dự thảo "cho lưu thông trên thị trường đối với sản phẩm hàng hóa có quy chuẩn Việt Nam" có thể dẫn đến hàng hóa có tiêu chuẩn riêng, có thể rẻ hơn để đáp ứng đơn đặt hàng quốc tế, nhưng nếu bị trả, hàng hóa đó chỉ cần đáp ứng được các quy chuẩn Việt Nam thì được đưa ra thị trường.

Điều này có thể tạo lỗ hổng, tác động xấu tới niềm tin người tiêu dùng rằng sản phẩm hàng hóa bị trả về, kém chất lượng, hơn nữa còn ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của các sản phẩm trong nước.

NGUYEN THI SUU.jpg
ĐB Nguyễn Thị Sửu (TP Huế). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung quy định Bộ KH-CN là đầu mối kiểm tra chất lượng hàng hóa toàn quốc; đồng thời kiến nghị làm rõ cơ chế phối hợp của Thanh tra Chính phủ với các cơ quan thanh tra khác.

ĐB cũng kiến nghị bổ sung quy định cho phép UBND xã, phường chủ động tổ chức kiểm tra chất lượng hàng hóa trên địa bàn; đề nghị tăng cường sự phối hợp lực lượng quản lý thị trường với chính quyền xã, phường trong kiểm tra các cơ sở làng nghề.

Đặc biệt, nâng khung xử phạt với cơ sở tiếp tay cho hàng giả và cần có quy định ràng buộc nghĩa vụ sàn thương mại điện tử, công bố hợp chuẩn, hợp quy trước khi công bố trên sàn thương mại để bán cho người tiêu dùng; đề nghị khâu hậu kiểm đối với người bán hàng online…

HIEU.jpg
ĐB Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An). Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng tình, ĐB Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng, cần cơ chế quản lý chặt chẽ hàng hóa trên sàn thương mại điện tử; cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy trách nhiệm các bên liên quan của sàn thương mại điện tử; có quy định chặt về xác minh nguồn gốc sản phẩm hàng hóa trước khi đưa lên sàn thương mại điện tử.

Theo ĐB, trong quá trình bán, sàn thương mại điện tử cũng cần có trách nhiệm với sản phẩm hàng hóa. Với các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp, dự thảo luật có phần trùng lắp với Luật Doanh nghiệp, do đó, cần chuyển các nội dung này sang các luật tương ứng.

Tin cùng chuyên mục