Khó xuất khẩu, nông dân ĐBSCL ồ ạt chở sầu riêng ra đường bán rẻ, cắt lỗ

Các vùng chuyên canh sầu riêng vùng ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch chính, song giá bán rớt thảm do hoạt động xuất khẩu đang gặp khó. Để cắt lỗ, nông dân phải chở sầu riêng ra lề đường bán lẻ.

Hiện, giá sầu riêng Ri 6 tại nhà vườn (tỉ lệ 7-3; là 70% xuất khẩu) dao động khoảng 42.000 - 45.000 đồng/kg (tùy loại), nếu tỉ lệ thấp hơn thì mua từ dưới 40.000 đồng/kg (tùy loại); sầu riêng Monthong loại 1 hiện có giá 70.000 đồng/kg và loại 2 khoảng 50.000 đồng/kg (tùy loại). So với cùng kỳ, giá bán sầu riêng giảm khoảng 30%.

ảnh 2.jpg
Sầu riêng vùng ĐBSCL đang vào vụ, rộ thu hoạch. Ảnh: NGỌC PHÚC
ảnh 3.jpg
Sầu riêng vùng ĐBSCL được mùa nhưng rớt giá. Ảnh: NGỌC PHÚC

Dự báo, giá sầu riêng sẽ còn "lao dốc" trong thời gian tới. Để cắt lỗ, những ngày qua, hàng chục nhà vườn trồng sầu riêng ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước (Tiền Giang) thu hoạch xong, chở ra Quốc lộ 1 bán lẻ.

ảnh 5.jpg
Nhà vườn cắt sầu riêng chín. Ảnh: NGỌC PHÚC
ảnh 6.jpg
Người dân thu hoạch sầu riêng. Ảnh: NGỌC PHÚC

Ngoài ra, trên tuyến Quốc lộ 61C qua các huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), sầu riêng cũng được bày bán dày đặc với giá bán cao hơn giá thương lái thu mua tại vườn. Các nhà vườn cho biết, họ bỏ công bày bán thì không cần phải chấm thuốc kích chín, chín đến đâu thì bán đến đó hy vọng thu lời nhiều hơn bán sỉ cho doanh nghiệp.

quang.jpg
Người trồng sầu riêng tại Cần Thơ thu hoạch bán cho thương lái. Ảnh: TUẤN QUANG
quang 2.jpg
Nhà vườn vận chuyển sầu riêng đến điểm tập kết để cân cho thương lái. Ảnh: TUẤN QUANG

Tiền Giang là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất ĐBSCL với khoảng 24,585 ha diện tích trồng sầu riêng, sản lượng đạt 457.892 tấn/năm. Với mức giá như hiện nay, nhiều nông dân trồng sầu riêng cho biết họ đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng.

ảnh 18.jpg
Người dân vận chuyện sầu riêng đem ra các tuyến đường bày bán. Ảnh: NGỌC PHÚC

Trước tình hình trên, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang tăng cường quản lý chất lượng đầu vào, từ quá trình trồng, thâm canh, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, đóng gói xuất khẩu đối với trái sầu riêng.

a phong.jpg
Một điểm bán sầu riêng tại đường Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ. Ảnh: CAO PHONG

Tỉnh Tiền Giang phấn đấu tổng sản lượng sầu riêng đến năm 2025, có 25% diện tích được công nhận sầu riêng an toàn (VietGAP, GlobalGAP), tỷ lệ sầu riêng xuất khẩu chiếm 70% - 80% sản lượng.

a phong 1.jpg
Nhà vườn huyện Phong Điền, TP Cần Thơ bán sầu riêng dọc theo Quốc lộ 61C. Ảnh: CAO PHONG

Cùng với đó, trong năm 2025, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang sẽ chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung, đặc biệt đối với sầu riêng.

Còn tại Hậu Giang, theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-MT tỉnh Hậu Giang, thị trường sầu riêng đang đối mặt với một số thách thức đáng kể, đặc biệt liên quan đến chất lượng, giá cả và tiêu thụ. Giá sầu riêng đang có xu hướng giảm mạnh do các yếu tố như: nguồn cung ngày càng lớn do nông dân mở rộng diện tích sản xuất; một số nước siết chặt kiểm soát chất lượng sầu riêng nhập khẩu.

quang 4.jpg
Sầu riêng của nhà vườn tại Cái Bé (Tiền Giang) được tiểu thương thu mua để đưa lên TPHCM bán lẻ. Ảnh: TUẤN QUANG

Ngành NN-MT khuyến cáo nông dân canh tác đảm bảo sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo tiêu chuẩn quốc tế để dễ dàng tiếp cận thị trường khó tính nhằm mở rộng các thị trường trong thời gian tới. Đồng thời, đầu tư vào công nghệ và kỹ thuật canh tác tiên tiến để cải thiện chất lượng sầu riêng.

Các doanh nghiệp cần tham gia đầu tư chế biến sản phẩm từ sầu riêng để nâng cao giá trị. Khuyến khích các hợp tác xã liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để tạo ra chuỗi cung ứng bền vững, giúp ổn định giá cả và cải thiện hiệu quả tiêu thụ.

Tin cùng chuyên mục