Ngành giáo dục - đào tạo phải thay đổi triệt để theo hướng chuẩn hóa

Thông tin học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, TPHCM, xé đề cương ôn tập môn Lịch sử khi biết môn học này không có tên trong danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay đã tạo ra nhiều luồng thông tin trái chiều. Có người cảm thông, có người khó chịu. Thông tin này sẽ còn tốn hao nhiều giấy mực và tâm huyết của các nhà khoa học, giáo viên và cả các nhà quản lý giáo dục.
Ngành giáo dục - đào tạo phải thay đổi triệt để theo hướng chuẩn hóa

Thông tin học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, TPHCM, xé đề cương ôn tập môn Lịch sử khi biết môn học này không có tên trong danh sách các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay đã tạo ra nhiều luồng thông tin trái chiều. Có người cảm thông, có người khó chịu. Thông tin này sẽ còn tốn hao nhiều giấy mực và tâm huyết của các nhà khoa học, giáo viên và cả các nhà quản lý giáo dục.

Hệ lụy

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã từng có ý kiến: “Hiện nay môn Lịch sử là môn bị coi thường nhất trong nhà trường phổ thông…”. Tôi được biết, một HS quốc tế muốn tham gia học và lấy bằng ĐH-CĐ ở Mỹ đều bắt buộc phải hoàn tất môn học Lịch sử nước Mỹ. Cách làm này buộc chúng ta phải suy nghĩ.

Thật ra, chẳng có ai coi thường môn học nào, nhưng do cách làm của chúng ta đã đưa đến nhiều hệ lụy cho ngành giáo dục và cho cả xã hội. Nếu chúng ta không có một sự thay đổi triệt để theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng “Thay đổi căn bản toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế…” thì rõ ràng chúng ta vẫn phải tiếp tục đón nhận những kết quả mà chúng ta không mong muốn. Thực hiện Nghị quyết của Đảng là một hoạt động to lớn của cả hệ thống, nhưng những việc nhỏ cần phải điều chỉnh ngay trong ngành giáo dục đào tạo cũng là cần thiết và không mấy khó khăn.

Thí sinh dự thi vào ĐH Bách Khoa TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Toán, kỳ tuyển sinh năm 2012. Ảnh: Mai Hải

Thí sinh dự thi vào ĐH Bách Khoa TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Toán, kỳ tuyển sinh năm 2012. Ảnh: Mai Hải

Vì phải lo đạt mục tiêu kiến thức nên giáo viên (GV) khó có thời gian áp dụng các hình thức tổ chức dạy học tích cực. Khái niệm “lấy HS làm trung tâm” dường như xa lạ đối với hầu hết đội ngũ GV phổ thông. Ngành GD-ĐT luôn hô hào đổi mới phương pháp dạy học nhưng sẽ không làm được khi không thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng chương trình. Trong mục tiêu giáo dục phổ thông (Luật Giáo dục 2005), giáo dục toàn diện là nội dung xuyên suốt nhưng thực tiễn lại không như vậy. Quan niệm: “Thi thế nào thì dạy thế ấy, thi thế nào thì học thế ấy” là một tồn tại đau lòng! Việc chọn môn thi tốt nghiệp THPT hàng năm đã vô tình tạo ra thực trạng phân biệt “môn chính môn phụ” ngay từ lãnh đạo nhà trường đến GV, phụ huynh và cả HS.

Để giải quyết tình trạng này, chúng ta có thể dùng công nghệ thông tin và hình thức trắc nghiệm khách quan (cả thế giới đều áp dụng) để tổ chức kiểm tra toàn diện tất cả các môn học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cách thi này vừa nhanh chóng, toàn diện, ít tốn kém, chính xác, kết quả có thể dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Một số ít môn cần thiết có thể thi thêm phần tự luận. Làm như thế sẽ xóa bỏ tâm lý môn chính môn phụ đã từng dẫn đến hàng loạt tệ nạn không nên có trong giáo dục là tình trạng dạy tủ, học tủ, đối phó thi cử, gian lận thi cử…

Quy luật cung - cầu

Khi có kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT thống kê tổng điểm theo khối và công bố điểm sàn theo khối. Điểm này là điểm điều kiện dự tuyển. HS sẽ căn cứ vào điểm điều kiện liên quan (khối) mà đăng ký. Các trường ĐH-CĐ sẽ dựa vào kết quả này để xét tuyển. Quy trình xét tuyển vẫn theo nguyên tắc từ cao xuống thấp nhưng phù hợp với điểm sàn chỉ tiêu. Các trường có thể vận dụng điểm điều kiện thuộc khối (A, A1, B, C, D1… D6) linh hoạt sao cho phù hợp giữa nguyện vọng của thí sinh và chỉ tiêu trường đăng ký với bộ. HS phải tự tìm thông tin và thực hiện đăng ký cũng như tự điều chỉnh khối và trường dự tuyển một khi không được công nhận trúng tuyển. Bộ chỉ nắm vai trò hậu kiểm.

Trong trường hợp không đủ chỉ tiêu, các trường đành chấp nhận tính khắc nghiệt của quy luật cung cầu. Tùy theo tính chất của từng ngành, từng trường; các trường ĐH-CĐ có thể đăng ký với Bộ GD-ĐT tổ chức thi thêm môn quy định liên quan đến chuyên ngành đào tạo (nếu cần). Cách làm này sẽ giúp HS THPT tự điều chỉnh ngành, trường dự tuyển và tự phân luồng.

Kết quả này cũng giúp cho HS không vào được các trường ĐH-CĐ yên tâm theo học các bậc học thấp hơn vì sẽ tham gia học liên thông (nếu đủ điều kiện các trường yêu cầu) mà không cần thi lại như quy định về học liên thông mới đây của bộ vì đã đạt điểm điều kiện. Trường THPT có thể giúp đỡ HS trong hoạt động đăng ký này.

Chương trình giáo dục phổ thông hiện hữu của chúng ta được xây dựng tiếp cận nội dung nên chứa đựng khối lượng kiến thức nặng nề. Thời gian qua, việc giảm tải tuy được thực hiện nhưng không triệt để và thiếu tính hệ thống. Mục tiêu môn học luôn được xác định trong từng tiết dạy, nhưng có mấy GV đạt được đầy đủ 3 mục tiêu (kiến thức, kỹ năng, thái độ) trong một tiết dạy hay bài dạy? GV phải đối phó với việc hoàn thành mục tiêu kiến thức là đã khó lắm rồi còn đâu thời gian để lo mục tiêu khác. Từ thực trạng này dẫn đến chất lượng môn học không được nâng lên, thầy nhồi, trò nhét; học sinh chán học vì khô khan và quá tải, mục tiêu môn học không đạt được. Thực trạng này không chỉ riêng có ở môn Lịch sử.


TS NGUYỄN TOÀN
(Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức)

Tin cùng chuyên mục