Chương trình tư vấn Hướng nghiệp - Tuyển sinh 2009: “Tiên hướng nghiệp, hậu hướng trường”

Ngành môi trường “cung không đủ cầu”

Mới đây, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) ra thông tư hướng dẫn mỗi doanh nghiệp phải có một cán bộ chuyên trách về lĩnh vực môi trường, tiêu chí bắt buộc đối với các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, cả nước có khoảng hơn 300.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa. Như vậy, trong tương lai ngành môi trường sẽ cần rất nhiều nguồn nhân lực.

Ngành môi trường “cung không đủ cầu” ảnh 1

Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Thế Vinh Q1 nêu câu hỏi với các nhà tư vấn về tuyển sinh ĐH-CĐ. Ảnh: Mai Hải

Điểm qua các trường ĐH tại TPHCM, ngành môi trường (quản lý môi trường, kỹ sư môi trường, công nghệ môi trường, kỹ thuật môi trường...) chỉ được đào tạo cách đây vài năm. Theo thống kê từ các trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Công nghiệp, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật... tổng số SV tốt nghiệp năm 2008 chưa vượt qua con số 1.000. Nếu tính luôn cả nước cũng chỉ khoảng 2.000 sinh viên ra trường/năm. Như vậy, muốn giải quyết bài toán 300.000 cán bộ cho ngành môi trường thì chắc rằng sẽ có rất nhiều trường cùng tham gia đào tạo và phải kéo dài đến cả chục năm nữa. Đó là chưa nói đến cả nước hiện có hơn 300 trạm quan trắc môi trường và sắp tới sẽ đầu tư xây dựng mới thêm nên nhu cầu tuyển dụng cũng khá nhiều.

Mặt khác, các doanh nghiệp hiện nay rất thiếu cán bộ theo dõi lĩnh vực môi trường. Theo ông Ngô Anh Tuấn, Phó ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM (HEPZA), để nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, vừa qua Ban Quản lý HEPZA có mở các lớp tập huấn, phát tài liệu miễn phí cho các doanh nghiệp. Thế nhưng kết quả cho thấy có hơn 40% doanh nghiệp không có người chuyên trách lĩnh vực này. Các doanh nghiệp còn lại rất mơ hồ về các thông tư, quy định về bảo vệ môi trường. Và để đẩy mạnh thực hiện thông tư mới của Bộ TN-MT, sắp tới ban quản lý cũng sẽ rà soát lại toàn bộ các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất về tổ chức, bố trí các cán bộ chuyên trách về môi trường.

Dù nhu cầu là rất lớn nhưng nhìn lại số điểm nhóm ngành môi trường trong năm 2008 cũng chỉ mở mức trung bình, từ 15 đến 16 điểm (khối A, B). Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM điểm chuẩn NV1 ngành Công nghệ môi trường (15 điểm, khối A), ĐH Nông Lâm TPHCM điểm chuẩn hai ngành quản lý môi trường, kỹ thuật môi trường cùng 15 điểm (khối A), ĐH Sài Gòn điểm chuẩn ngành khoa học môi trường 14 điểm (khối A), 18,5 điểm (khối B)… Với số điểm này, ước mơ đậu vào ngành môi trường của một trường ĐH là điều không khó đối với nhiều học sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH sắp tới.  

TH. MINH

Tin cùng chuyên mục