Ngành Thông tin Truyền thông: Kế thừa truyền thống, hướng tới tương lai

Đi đầu trong sự nghiệp đổi mới
Ngành Thông tin Truyền thông: Kế thừa truyền thống, hướng tới tương lai

Lịch sử ngành Thông tin Truyền thông Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn gắn liền với lịch sử dân tộc, gắn liền với sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Đi đầu trong sự nghiệp đổi mới

Tiền thân của Bộ TT-TT ngày nay là các cơ quan mang đậm chất Bưu điện như: Nha Bưu điện (1945), Nha Bưu điện - Vô tuyến điện (1951), Tổng cục Bưu điện (1968), Tổng cục Bưu điện thuộc Bộ Giao thông vận tải (1990), Tổng cục Bưu điện (1992), Bộ Bưu chính -Viễn thông (2002), nay là Bộ TT-TT (2007).

Trải qua 71 năm xây dựng, phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, ngành TT-TT đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, thực hiện trọn vẹn sứ mệnh cao cả của cách mạng được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ tin tưởng giao phó. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hào hùng của dân tộc, các thế hệ cán bộ công nhân viên chức của ngành TT-TT đã đem tất cả sức lực, trí tuệ và cả xương máu của mình, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn hiểm nguy trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, xây dựng và giữ vững huyết mạch thông tin phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần đắc lực vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Gần 10.000 người con ưu tú của ngành Bưu điện và phóng viên đã anh dũng hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. TT-TT là ngành có nhiều liệt sỹ nhất đã hy sinh trong chiến tranh, chỉ sau Quân đội.

TS Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, tháng 9-2014, Ban Cán sự Đảng Bộ TT-TT đã quyết định thành lập Ban Lịch sử - Truyền thống của Bộ trên tinh thần là tôn trọng, duy trì và phát triển truyền thống của các lĩnh vực hiện có thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất lấy 1 ngày Truyền thống chung của toàn ngành TT-TT. Từ kết quả tìm hiểu, nghiên cứu với những sở cứ xác đáng của Ban nghiên cứu Lịch sử truyền thống đã đề xuất qua các kì hội thảo, qua việc lấy ý kiến của cán bộ, lãnh đạo trong toàn ngành, các thế hệ, Bộ TT-TT đã thống nhất, đề xuất và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 28-8 là Ngày Truyền thống Ngành TT-TT. Vì đây là ngày Bác Hồ đã ký sắc lệnh đầu tiên vào năm 1945 thành lập các Bộ, Ngành trong cả nước lúc đó, trong đó có Bộ Thông tin Tuyên truyền và Bộ Giao thông Công chính, mà nội hàm quản lý nhà nước của các bộ này lại bao hàm nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ TT-TT ngày nay.

Bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp bước truyền thống hào hùng, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới của Đảng, với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Ngành TT-TT đã dũng cảm lựa chọn hướng đi mang tính đột phá, đó là: bỏ qua công nghệ trung gian, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hoá, tự động hóa và đa dịch vụ; lấy Viễn thông quốc tế làm đột phá khẩu, với phương châm: “lấy ngoài nuôi trong”, tự vay tự trả và tự chịu trách nhiệm, Ngành đã phá được thế bao vây cấm vận, đưa công nghệ  hiện đại nhất vào Việt Nam. Theo TS Mai Liêm Trực nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính - Viễn thông,  thời điểm đó Tổng cục Bưu điện đã có 2 quyết định chiến lược rất quan trọng tạo đột phá và bước ngoặt cho việc phát triển của viễn thông và internet Việt Nam. Quyết định thứ nhất là đi thẳng vào số hoá viễn thông Việt Nam với công nghệ hiện đại, cung cấp những dịch vụ tiên tiến kể cả internet để  đáp ứng nhu cầu liên lạc của cả đất nước thời kỳ mở cửa và hội nhập. Quyết định thứ hai là xoá bỏ độc quyền, mở cửa cạnh tranh với quốc tế. Với Internet là năm 1997, và với viễn thông là từ năm 2000. Nhờ có cạnh tranh mà giá cước giảm mạnh, chất lượng dịch vụ được nâng cao. Dịch vụ viễn thông và internet Việt Nam được phổ cập nhanh và rộng rãi đến đa số người dân kể cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

5 giờ 17 phút sáng 19-4-2008, Vinasat1 được phóng thành công lên quỹ đạo trái đất

Tiếp đó bằng việc thực hiện thắng lợi Chiến lược tăng tốc độ phát triển hai giai đoạn từ 1993 đến năm 2000 và những năm tiếp theo, Ngành đã nhanh chóng hiện đại hóa mạng lưới, đa dạng hóa dịch vụ, đưa bưu chính - viễn thông Việt Nam sánh vai với các nước phát triển trong khu vực, đồng thời tự tin và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước. Đây là bước đột phá mang tính quyết định đã làm thay đổi cả chất và lượng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng cơ sở hệ thống thông tin liên lạc của Việt Nam. Với việc thực hiện thành công chiến lược này, kết thúc năm 2000, các chỉ tiêu cơ bản như doanh thu, nộp ngân sách nhà nước, số lượng máy điện thoại.. đều tăng trung bình 20 lần so với năm 1990. Quy mô và mạng lưới bưu chính - viễn thông được mở rộng và hiện đại hoá bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt trên cả nước, đảm bảo thông tin phục vụ công tác chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, phục vụ công tác an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, bão lụt... Việt Nam được ITU đánh giá là một trong 10 nước có tốc độ phát triển viễn thông nhanh nhất thế giới.

Đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 249/TTg thành lập Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam VNPT trực thuộc Chính phủ, đồng thời quyết định thành lập Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính  viễn thông Sài Gòn và Công ty Viễn thông Quân đội Viettel, khởi động quá trình cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính - viễn thông; và từ năm 2003, ngành Bưu chính - Viễn thông Việt nam thực sự chuyển từ độc quyền công ty sang cạnh tranh tất cả các loại dịch vụ.

TS Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ TT-TT) đánh giá: Sau khi kết thúc thành công chiến lược tăng tốc từ năm 1993 - 2000, Ngành Bưu điện Việt Nam đã thu được những kết quả rất ngoạn mục trong phát triển bưu chính và viễn thông. Đến năm 2000 Bộ Chính trị ra chỉ thị 58/CT-TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT. Trong Chỉ thị này nêu sẽ nghiên cứu để xây dựng một tổ chức quản lý nhà nước đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ này. Đó là hai lý do thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông trên cơ sở của Tổng cục Bưu điện.

Hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng

Việc thành lập Bộ TT-TT vào tháng 8-2007, lịch sử ngành TT-TT Việt Nam đã bước sang một trang mới. Kể từ khi thành lập đến nay, Bộ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong tất cả các lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, CNTT, Báo chí, Xuất bản tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế. Lĩnh vực Báo chí, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông, Internet và CNTT đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nền báo chí, xuất bản tiên tiến, hiện đại. Cả nước hiện có gần 859 cơ quan báo, tạp chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình với 180 kênh phát thanh, truyền hình trong nước và 40 kênh truyền hình nước ngoài; 126 cơ quan báo, tạp chí điện tử; gần 18.000 nhà báo đã được cấp thẻ. Lĩnh vực Xuất bản từng bước vào nền nếp, ổn định và phát triển. Cả nước hiện có 63 nhà xuất bản, 1.500 cơ sở in công nghiệp, 13.000 cơ sở phát hành xuất bản phẩm, số lượng sách xuất bản hàng năm khoảng 24.000 cuốn; góp phần nâng cao dân trí và làm phong phú đời sống tinh thần cho toàn xã hội. Lĩnh vực Viễn thông và Internet đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đảm bảo thông tin liên lạc mọi lúc, mọi nơi. Tổng số thuê bao điện thoại di động hiện đạt trên 126 triệu thuê bao, tỉ lệ phủ sóng di động trên toàn quốc đạt 95%. trên 44 triệu người sử dụng Internet trên toàn quốc; Tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông năm 2015 đạt gần 526.132 tỷ đồng; nộp ngân sách ước đạt 48.247 tỷ đồng; đồng thời cũng là một trong những lĩnh vực đóng góp nhiều nhất cho ngân sách. Công tác thông tin liên lạc phục vụ an ninh, quốc phòng, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và phục vụ các ngày lễ, tết, các sự kiện quan trọng của đất nước luôn được bảo đảm. Mạng thông tin phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được hoàn thiện, bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước thông suốt trong mọi tình huống... TS Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT cho rằng, từ khi thành lập Bộ TT-TT đến nay 5 lĩnh vực được giao quản lý đều phát triển tốt và trở thành trụ cột của nền kinh tế đất nước. Có thể nói trong tất cả các lĩnh vực hội nhập quốc tế, hội nhập về truyền thông – báo chí, xuất bản là nhanh nhất, rõ nhất và hiệu quả nhất, và nhất là trong thời đại internet, thời đại mà chúng ta ngồi một chỗ có thể biết tường tận mọi vấn đề, một thời đại mà CNTT giúp chúng ta có thể mở rộng hoặc thu hẹp thế giới trong tay, không chỉ đổi mới bên trong tốt mà hội nhập quốc tế cũng tốt, nên thông tin của Việt Nam được đưa ra thế giới nhiều hơn, thế giới hiểu chúng ta được tốt hơn, và chúng ta chắt lọc được những bài học tiên tiến nhất của thế giới.

Quyết định số 258 của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 28-8 hàng năm là Ngày truyền thống ngành TT-TT là một quyết định rất quan trọng ghi nhận những thành tựu đã đạt được trong chặng đường 71 năm của ngành TT-TT. Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho biết, đây là lần đầu tiên toàn ngành TT-TT có một ngày truyền thống riêng, khẳng định sự trưởng thành, phát triển và hội nhập sâu rộng của ngành trong suốt thời gian qua. Qua sự kiện này, chúng ta cũng ôn lại những kỷ niệm của ngành TT-TT, tri ân những thế hệ lãnh đạo, cán bộ công nhân viên ngành trong suốt thời gian qua. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành phải luôn phát huy truyền thống "Trung thành – Dũng cảm – Tận tuỵ - Sáng tạo – Nghĩa tình". Để làm được việc đó toàn ngành phải phát huy tinh thần "Đoàn kết, Trí tuệ, Đổi mới, Hội nhập và Phát triển" để xây dựng một xã hội thông tin lành mạnh và xây dựng một đất nước Việt Nam trở thành một nước cường thịnh trong đó lấy CNTT làm nền tảng để phát triển đất nước, đưa Việt Nam trở thành một nước mạnh về CNTT, xứng đáng với vai trò và vị trí của Việt Nam trong thời đại hiện nay.

Quốc Trường – Xuân Lộc

Tin cùng chuyên mục