Ngành tôm hướng đến phát thải carbon thấp và bền vững

Ngày 26-10, tại tỉnh Bạc Liêu, Bộ NN-PTNT và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức hội nghị phát triển ngành hàng tôm ít phát thải và bền vững ở Việt Nam.
Mô hình lúa - tôm được các chuyên gia nhận định là mô hình có tính bền vững cao, thích ứng với biến đổi khí hậu

Mô hình lúa - tôm được các chuyên gia nhận định là mô hình có tính bền vững cao, thích ứng với biến đổi khí hậu

Đại diện Bộ NN-PTNT cho biết, theo kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam, đến năm 2025, cả nước sẽ có tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000ha; tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD. Tuy vậy, thực tế năm 2022, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737.000ha, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,3 tỷ USD.

Hiện nay, ngành thủy sản đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức như: tác động của biến đổi khí hậu; thị trường bấp bênh và sự cạnh tranh khốc liệt trên trường quốc tế. Mặt khác, quy mô nuôi của nhiều hộ dân còn manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng thủy sản còn hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết: Bộ NN-PTNT đang làm thủ tục tham gia “Tuyên bố Emirates về nông nghiệp bền vững, hệ thống lương thực - thực phẩm có khả năng chống chịu và hành động vì khí hậu”, dự kiến sẽ thông qua tại hội nghị COP28 vào tháng 12-2023.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, việc chuyển đổi hệ thống lương thực của Việt Nam nói chung và chuỗi giá trị thủy sản nói riêng theo hướng xanh, carbon thấp, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, tích hợp đa giá trị với hệ thống quản trị hiện đại, minh bạch gắn với quá trình liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong các chuỗi giá trị là một tất yếu, góp phần vào thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia và các cam kết quốc tế của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tin cùng chuyên mục